Loại vắc-xin mới này do công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) phát triển, được sử dụng kết hợp với thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab.
Pembrolizumab, được bán dưới tên thương hiệu Keytruda, thuộc sở hữu của công ty dược phẩm Mỹ Merck. Sự kết hợp của hai loại thuốc này được coi là có hiệu quả ngăn chặn sự tái phát của các khối u ung thư da hắc tố.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 157 tình nguyện viên đang điều trị ung thư. Tất cả họ đều đã được phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính ung thư da.
Trong số này, 50 người chỉ được điều trị bằng Keytruda. 107 người còn lại được điều trị bằng Keytruda kết hợp với vắc-xin mRNA. Sau 2 năm, nhóm dùng Keytruda có 40% khả năng tái phát ung thư. Tuy nhiên, nhóm sử dụng Keytruda kết hợp với vắc-xin mRNA có tỷ lệ tái phát ung thư chỉ là 22,4%.
Thông thường, các tế bào ung thư rất khó bị tiêu diệt vì chúng đánh lừa hệ thống miễn dịch tin rằng khối u không phải là mối đe dọa. Đó là lý do tại sao ung thư có thể phát triển trong cơ thể mặc dù hệ thống miễn dịch hoàn toàn có khả năng tiêu diệt chúng. Ngay cả khi khối u được cắt bỏ, một số tế bào bệnh vẫn có thể tồn tại và phát triển thành khối u mới ở một bộ phận khác của cơ thể.
Theo Moderna, vắc-xin ung thư mRNA của họ được làm từ các tế bào ung thư lấy từ bệnh nhân. Sau đó, họ can thiệp để vắc-xin khi được tiêm vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch có thể nhận biết dấu hiệu đột biến của ung thư. Khi kết hợp với liệu pháp miễn dịch Keytruda, hệ thống miễn dịch sẽ có khả năng đáp ứng và tích cực tìm cách tiêu diệt khối u.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tháng tới. Thử nghiệm có thể mất tới 2 năm để đưa ra kết quả và được nộp cho Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm (FDA). Hiện tại, vẫn chưa rõ khi nào phương pháp điều trị mới này sẽ được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư trong bệnh viện.