Chia sẻ trên được ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức – Phát triển Khách hàng tổ chức – CTCP Chứng khoán SSI đưa ra tại chương trình tư vấn đầu tư diễn ra trưa thứ 4 (11/8) do SSI tổ chức với chủ đề “Lựa chọn Cổ phiếu tiềm năng cho danh mục”.
Theo ông Đức, yếu tố cơ bản đầu tiên mà nhà đầu tư cần nhìn vào là doanh thu và đơn hàng. Chẳng hạn với các doanh nghiệp xuất khẩu, trước khi Covid-19 tái bùng phát vào tháng 4/2021 vừa qua, thì các công ty dệt may đều đã kín đơn hàng đến cuối năm và giá thành bán sản phẩm cũng tăng lên nhanh chóng. Tức là giá và sản lượng đều tăng – đây là yếu tố nhìn vào đầu tiên để đánh giá về doanh nghiệp.
Thị trường luôn có rất nhiều câu chuyện, từ vĩ mô tới từng doanh nghiệp. Tại thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Đầu tư – Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến TTCK cuối năm là dòng tiền và chính sách tiền tệ của các NHTW, nhất là NHTW Mỹ. Dù không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng việc NHTW Mỹ thay đổi chính sách sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất và nên định giá cổ phiếu cũng thay đổi.
Ngoài ra, nhìn vào yếu tố trong nước, vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế, Chính Phủ cũng có các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh chính sách tiền tệ, kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm tích cực, nên các doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng này cũng rất đáng quan tâm.
Một ngành nữa có thể hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 là ngành hàng không.
Hiện theo tính toán của SSI, trong giai đoạn đầu tháng 7, thị trường có định giá tương đối cao 19x, còn hiện nay P/E ở quanh 17 lần, trong khi PE fw 2021 ước tính là 16 lần. Dựa trên các cổ phiếu mà SSI đang phân tích, P/E fw 2021 chỉ 15 lần, PE 2022 là hơn 13 lần – so với con số quá khứ là hấp dẫn.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – Chuyên gia Chiến lược Đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI cho rằng, TTCK chỉ tăng giá khi có câu chuyện hấp dẫn và định giá thị trường hấp dẫn nhất định. Ở triển vọng TTCK nửa cuối năm, nhà đầu tư còn có thể quan tâm triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của hai ngành có vốn hoá lớn nhất trên thị trường là ngân hàng và bất động sản đi kèm câu chuyện tăng vốn, cùng với đó là hồi phục sau Covid.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – Chuyên gia Chiến lược Đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI |
Ông Tâm cũng bày tỏ sự ưa thích nhóm ngành xuất khẩu trong cả ngắn và trung hạn. Yếu tố tiên quyết là khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu trên thế giới đều hồi phục lớn sẽ kéo theo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cũng tăng nhanh chóng. Ngành xuất khẩu Việt Nam sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ xu hướng này.
Đối với công ty xuất khẩu, ông Tâm tập trung vào các công ty đáp ứng yếu tố năng lực sản xuất tốt, trong ngành hàng thiết yếu – là lĩnh vực sẽ phục hồi nhanh chóng khi dịch trôi qua, chẳng hạn xuất khẩu gỗ, sản phẩm may mặc. Ngoài ra, doanh nghiệp cần vị thế tốt và có quy mô trong ngành giúp doanh nghiệp có thể đàm phán tốt hơn, không để phần tiềm năng khi thị trường phục hồi rơi vào tay các bên trung gian hay vào tay người mua. Song song đó, định giá cổ phiếu phải thực sự tốt.
Nhóm ngành có liên quan là logistic cũng được đánh giá cao trong 6 tháng cuối năm và trong nửa đầu năm 2022, do nhu cầu về sản xuất tiêu dùng khiến nhu cầu về logistic tăng cao.
Với ngành thép, ông Minh đưa ra quan điểm tích cực và cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, ngành thép còn nhiều cơ hội bởi đầu tư công sẽ được đẩy mạnh làm tăng cường nhu cầu thép.
Cổ phiếu thép được chia thành 2 nhóm là nhóm thương mại (chỉ sản xuất khâu trên của chuỗi giá trị) thông thường nhìn biến động giá đầu vào và ra, trong giai đoạn biên lợi nhuận cao như 6 tháng đầu năm, thậm chí cả tháng 7 – 8 thì trong ngắn hạn cổ phiếu sẽ có biến động tích cực. Còn nhóm có thể thực hiện được từ đầu vào tới đầu ra thì hạn chế được rủi ro biến động giá nguyên liệu rất nhiều, có tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt.