Phụ nữ mang thai ăn nhiều thực phẩm gây viêm có thể khiến con tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1, theo nghiên cứu quy mô lớn tại Đan Mạch.

Một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng đã chỉ ra mối liên hệ đáng lo ngại giữa chế độ ăn uống của mẹ trong thai kỳ với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ nhỏ. Theo đó, việc tiêu thụ thực phẩm có tính gây viêm cao trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng đến 16% nguy cơ mắc bệnh tự miễn nghiêm trọng này ở con.
Chỉ số gây viêm trong khẩu phần ăn – gọi là EDII (Chỉ số viêm nhiễm trong chế độ ăn uống thực nghiệm) – được xây dựng để đánh giá mức độ tiềm ẩn gây viêm của các loại thực phẩm. Những thực phẩm như thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ uống có đường, chất béo chuyển hóa… có chỉ số EDII cao. Ngược lại, chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, trà, cà phê… có chỉ số EDII thấp và được xem là chống viêm.
Nghiên cứu được thực hiện trên 67.701 cặp mẹ con thuộc Nhóm nghiên cứu sinh nở quốc gia Đan Mạch, theo dõi từ năm 1996 đến 2002, trong đó trẻ được theo dõi trung bình 17 năm. Kết quả ghi nhận 281 trẻ được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, chủ yếu ở độ tuổi 10.
“Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ba yếu tố độc lập – chế độ ăn gây viêm, lượng gluten cao và hút thuốc trong thai kỳ – đều liên quan rõ rệt đến nguy cơ tiểu đường tuýp 1 ở trẻ,” – giáo sư Sjurdur F. Olsen, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ với Newsweek.
Đáng lưu ý, việc hấp thu thêm 10g gluten mỗi ngày trong giai đoạn giữa thai kỳ làm tăng 36% nguy cơ mắc tiểu đường loại 1. Điều này càng cho thấy sự nhạy cảm đặc biệt của thai nhi với lối sống của người mẹ ở giai đoạn quan trọng này.
Tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và phá hủy các tế bào sản xuất insulin ở tụy. Bệnh thường khởi phát ở tuổi nhỏ và cần điều trị bằng insulin suốt đời. Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định, sự gia tăng ca mắc tiểu đường tuýp 1 trong thập kỷ qua cho thấy vai trò không nhỏ của môi trường, đặc biệt là từ trong bào thai.
“Tình trạng viêm nhẹ trong thai kỳ hiện được xem là yếu tố nền tảng ảnh hưởng sức khỏe suốt đời của trẻ. Hệ miễn dịch không chờ đến khi sinh mới phát triển, mà đã được hình thành từ trong bụng mẹ,” – nhóm tác giả nhấn mạnh.
Dù đây là nghiên cứu quan sát và chưa thể khẳng định mối quan hệ nhân – quả, nhưng dữ liệu cho thấy sự cần thiết phải quan tâm đến dinh dưỡng lành mạnh trong thai kỳ. Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ là phân tích các chỉ dấu viêm và miễn dịch trong mẫu sinh học để xác định chính xác cơ chế gây bệnh.
Khuyến nghị cho phụ nữ mang thai là nên hạn chế thực phẩm chế biến, tăng cường rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời tránh hút thuốc và kiểm soát lượng gluten – đặc biệt trong giai đoạn giữa thai kỳ. Đây có thể là bước đầu quan trọng giúp phòng ngừa bệnh lý miễn dịch nghiêm trọng như tiểu đường tuýp 1 ở thế hệ sau.