TP.HCM sẽ yêu cầu toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng chuyển sang sử dụng xe điện từ năm 2026, nhằm giảm khí thải và thúc đẩy giao thông xanh đô thị.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS), từ năm 2026, tất cả các tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng tại thành phố sẽ chỉ được đăng ký hoạt động nếu sử dụng xe máy điện. Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải quy mô lớn mà thành phố đang triển khai nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và xanh hóa toàn bộ mạng lưới giao thông đô thị.
Cụ thể, đề án này đặt ra mục tiêu chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy sử dụng xăng của lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện trước năm 2029. Kế hoạch triển khai được chia thành bốn giai đoạn cụ thể, với các cột mốc rõ ràng về số lượng phương tiện cần được chuyển đổi hàng năm. Giai đoạn đầu (từ nay đến hết năm 2026) dự kiến chuyển đổi 120.000 xe, chiếm 30% tổng số; đến năm 2027 đạt 50%, tương đương 200.000 xe; năm 2028 là 80% và đến cuối năm 2029 hoàn tất toàn bộ lộ trình chuyển đổi.
Điểm đáng chú ý trong đề án là việc áp dụng chính sách “ngừng ký hợp đồng mới” đối với tài xế sử dụng xe xăng từ tháng 1/2026. Nghĩa là, các ứng dụng gọi xe công nghệ chỉ tiếp nhận tài xế mới nếu họ sử dụng xe điện. Những tài xế đang hoạt động với xe xăng sẽ vẫn được phép tiếp tục nhưng buộc phải có kế hoạch chuyển đổi phù hợp với lộ trình thành phố đã đề ra.

Từ năm 2027, TP.HCM sẽ hạn chế hoạt động của xe xăng trong giờ cao điểm tại các khu vực phát thải thấp; năm 2028 sẽ siết chặt hơn bằng các quy định kiểm soát khí thải; và đến tháng 12/2029, toàn bộ xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn khỏi hệ thống xe công nghệ và giao hàng.
Ngoài việc triển khai chính sách hành chính, TP.HCM cũng áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài xế để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. Trong đó bao gồm: miễn phí trước bạ, phí biển số và thuế VAT khi mua xe điện; hỗ trợ gói vay vi mô với lãi suất thấp và thời gian vay linh hoạt; triển khai cơ chế bảo lãnh tín dụng từ chính quyền hoặc nghiệp đoàn tài xế. Các khoản vay này có thể áp dụng hình thức trích nợ tự động từ thu nhập tài xế, nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Các chuyên gia từ HIDS cho biết việc sử dụng xe điện không chỉ giúp giảm chi phí vận hành cho tài xế (chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/lần sạc đủ cho 50–80km), mà còn góp phần giảm đáng kể lượng phát thải CO₂, NOx và bụi mịn PM2.5 – các tác nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị. Trung bình, mỗi tài xế có thể tiết kiệm từ 300.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng nhờ vào chi phí vận hành thấp và bảo trì đơn giản. Sau một năm, mức tiết kiệm có thể lên đến gần 5 triệu đồng – con số không nhỏ với những người có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là chi phí đầu tư ban đầu cao, mạng lưới trạm sạc chưa đồng đều và thời gian sạc kéo dài. Chính vì vậy, thành phố cũng dự kiến mở “làn xanh” – tuyến đường ưu tiên dành riêng cho xe điện – nhằm tạo thêm động lực chuyển đổi, đặc biệt tại những địa bàn có tỷ lệ xe điện hóa đạt trên 70%. Nếu tỷ lệ này vượt 90%, chính quyền cấp cơ sở còn có thể ban hành nghị quyết phủ xanh toàn diện địa bàn.
Không chỉ tài xế tại TP.HCM mà cả những tài xế từ tỉnh ngoài hoạt động trong thành phố cũng sẽ phải tuân thủ quy định tương tự và được hưởng các chính sách hỗ trợ tương đương.
Với sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp nền tảng công nghệ và ngân hàng, kế hoạch này không chỉ hướng đến mục tiêu giảm phát thải mà còn mở ra một mô hình chuyển đổi xanh có thể nhân rộng tại các đô thị lớn khác trên toàn quốc.