Ấn Độ đang đứng trước một cuộc tranh luận gay gắt về vai trò của tiếng Anh. Giữa một bên là di sản thời thuộc địa cần xóa bỏ và một bên là công cụ thiết yếu cho hội nhập toàn cầu, cuộc đối đầu ngôn ngữ này đang định hình lại bản sắc dân tộc, chính trị và tương lai kinh tế của quốc gia 1,4 tỷ dân.

Hơn bảy thập kỷ sau khi giành độc lập, di sản của chế độ thực dân Anh vẫn hiện hữu sâu sắc trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt là qua sự tồn tại của tiếng Anh. Ban đầu là ngôn ngữ của thương mại và pháp luật, tiếng Anh dần trở thành biểu tượng của tầng lớp tinh hoa. Ngày nay, vị thế của nó đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước đến nay dưới chính quyền của Đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Thủ tướng Narendra Modi.
Cuộc tranh luận bùng lên mạnh mẽ sau phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah vào tháng trước, khi ông tuyên bố: “Những người nói tiếng Anh sẽ sớm cảm thấy xấu hổ”. Dù không trực tiếp nhắc đến Anh, ông Shah nhấn mạnh rằng “ngôn ngữ của đất nước chúng ta là viên ngọc quý của nền văn hóa” và nếu không có chúng, người dân sẽ “không còn thực sự là người Ấn Độ nữa”.

Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối dữ dội. Nhiều nhà phê bình cho rằng việc coi tiếng Anh là một nỗi xấu hổ văn hóa thể hiện một tầm nhìn thiển cận, có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của Ấn Độ. Họ lập luận rằng, tiếng Anh giờ đây không còn là di sản của chủ nghĩa thực dân mà đã trở thành ngôn ngữ của khát vọng và là một cầu nối quan trọng ra thế giới. Nhà ngôn ngữ học Ayesha Kidwai từ Đại học Jawaharlal Nehru nhận định: “Mọi người đều khao khát được tiếp cận một ngôn ngữ có uy tín lớn trên trường quốc tế”.

Lãnh đạo phe đối lập Rahul Gandhi cũng phản bác trên mạng xã hội X: “Tiếng Anh không phải là rào cản, mà là cầu nối. Tiếng Anh không phải là nỗi xấu hổ, mà là sức mạnh”. Ông cho rằng mỗi ngôn ngữ Ấn Độ đều mang trong mình tri thức và văn hóa riêng cần được trân trọng, song song với việc dạy tiếng Anh cho mọi trẻ em.

Căng thẳng ngôn ngữ không chỉ giới hạn trong các diễn đàn chính trị mà còn lan ra ngoài xã hội. Gần đây, một video ghi lại cảnh xô xát trên tàu hỏa ở Mumbai đã lan truyền nhanh chóng, bắt nguồn từ việc một hành khách bị quấy rối vì không nói được tiếng Marathi, ngôn ngữ địa phương. Các xung đột tương tự cũng nổ ra liên quan đến nỗ lực của chính phủ liên bang trong việc quảng bá tiếng Hindi, vốn gắn liền với cơ sở quyền lực của đảng BJP ở miền Bắc.
Kể từ khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947, tiếng Anh luôn là một vấn đề chính trị phức tạp. Hiện nay, tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ chính thức, được khoảng 10% dân số sử dụng. Trong khi đó, tiếng Hindi là tiếng mẹ đẻ của khoảng 44% công dân, theo điều tra dân số năm 2011.

Trong những năm gần đây, chính phủ của ông Modi đã đẩy mạnh việc sử dụng tiếng Hindi và giảm thiểu vai trò của tiếng Anh. Thủ tướng hầu như chỉ phát biểu bằng tiếng Hindi trong các sự kiện quốc gia. Chính quyền của ông cũng khuyến khích các quan chức dùng tiếng Hindi trên mạng xã hội và trong các văn bản hành chính. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023, giấy mời được gửi đi dưới tên “Bharat”, tên gọi bằng tiếng Phạn hoặc tiếng Hindi của đất nước, thay vì “India”, làm dấy lên đồn đoán về ý định loại bỏ hoàn toàn tên tiếng Anh của quốc gia.
Các nhà phân tích cho rằng đảng BJP, có nguồn gốc từ tổ chức cánh hữu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), đang tìm cách củng cố sự ủng hộ từ gần 80% dân số theo đạo Hindu bằng các chính sách ngôn ngữ này. Theo giáo sư Rita Kothari từ Đại học Ashoka, việc chỉ trích tiếng Anh là một cách để chính phủ quảng bá tiếng Hindi mà không gây ra sự phản kháng trực tiếp từ các khu vực không nói tiếng Hindi.
Tuy nhiên, chính sách này đang đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ, đặc biệt ở miền Nam, nơi tiếng Anh và các ngôn ngữ như Tamil, Telugu, Kannada được xem là biểu tượng của bản sắc và quyền tự chủ. Steve E. Selvaraj, một sinh viên 19 tuổi ở Chennai, bang Tamil Nadu, cho rằng BJP đang biến tiếng Hindi thành bản sắc của đảng để “có thêm phiếu bầu”.

Dù gây tranh cãi, không thể phủ nhận tiếng Anh đã trở thành biểu tượng của cơ hội và sự hiện đại. Khi kinh tế Ấn Độ phát triển, việc thông thạo tiếng Anh đã trở nên thiết yếu để thăng tiến. Shivam Singh, 23 tuổi, người đầu tiên trong gia đình nói tiếng Anh, chia sẻ: “Tiếng Anh giúp tôi có lợi thế. Tất cả các kỳ thực tập tôi trúng tuyển đều nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh”.

Sự thông thạo ngôn ngữ này đã giúp Ấn Độ thu hút hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, sự nổi trội của tiếng Anh cũng làm gia tăng khoảng cách xã hội. Những người không có kỹ năng ngoại ngữ này thường bị loại khỏi các công việc lương cao. Vaishnavi Gujanan Narote, một quản gia ở New Delhi, cho biết: “Tôi không thể tìm được việc trả lương cao vì họ nói tôi không biết tiếng Anh”.

Trong bối cảnh đó, sự thống trị của tiếng Anh và tiếng Hindi cũng đe dọa sự tồn tại của các ngôn ngữ bản địa. UNESCO đã xếp gần 200 ngôn ngữ Ấn Độ vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Aloka Kujur, một nhà hoạt động từ Jharkhand, chia sẻ rằng ngôn ngữ mẹ đẻ của bà, tiếng Kuduk, đang dần biến mất khỏi cuộc sống hàng ngày.

Bất chấp những nỗ lực chính trị, các nhà phân tích tin rằng vai trò của tiếng Anh sẽ khó có thể suy giảm trong tương lai gần. Giáo sư Kothari khẳng định: “Nó quá mạnh để bị gạt ra ngoài lề”. Như lời của sinh viên Shivam Singh, “Chúng tôi là một quốc gia đang phát triển, chúng tôi cần học hỏi từ thế giới”, và tiếng Anh chính là công cụ không thể thiếu cho mục tiêu đó.
