Ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, bị khởi tố vì nhận hối lộ để cấp phép cho thực phẩm chức năng giả, gây nguy hại cho người dân.
Bị can Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. ẢNH: BCA
Hành vi nhận hối lộ để cấp phép cho thực phẩm chức năng giả khiến cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Phong – bị dư luận và đại biểu Quốc hội cho là đã “gián tiếp đầu độc người dân”.
Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cùng nhiều cựu cán bộ dưới quyền. Họ bị cáo buộc nhận hối lộ từ các doanh nghiệp để bỏ qua lỗi vi phạm, dễ dàng trong quá trình thẩm định, hậu kiểm, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho hàng loạt mặt hàng thực phẩm chức năng không đạt chuẩn.
“Tiếp tay cho hàng giả, gián tiếp đầu độc cộng đồng”
Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi của nhóm cán bộ bị bắt, cho rằng hành vi này không đơn thuần là vi phạm quy trình quản lý, mà là hành động tiếp tay cho hàng giả, đồng nghĩa với việc “gián tiếp gây hại sức khỏe người dân”. Ông cũng chỉ ra rằng những bất cập về an toàn thực phẩm, nhất là với nhóm thực phẩm chức năng, đã được cảnh báo từ nhiều năm nhưng việc xử lý lại quá chậm trễ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa
Từ thực tế những vụ án liên quan đến sữa giả, thuốc giả và thực phẩm kém chất lượng từng bị phát hiện, vị đại biểu nhấn mạnh rằng nếu không có sự bao che từ cơ quan quản lý, thì những sản phẩm độc hại như vậy không thể tồn tại và lưu hành một cách công khai trên thị trường.
Ông kêu gọi cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan trong hệ thống quản lý và phải xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình tiếp tay, làm ngơ hoặc buông lỏng quản lý.
Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức trong bộ phận cán bộ quản lý
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhận định vụ việc tại Cục An toàn thực phẩm là điển hình rõ nét cho hiện tượng suy thoái đạo đức, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước. Ông cho rằng việc phân cấp mạnh cho cơ sở là đúng, nhưng nếu không đi kèm với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả thì sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Trịnh Xuân An. ẢNH: GIA HÂN
Đại biểu An cũng cho rằng, quy mô và mức độ tinh vi của hoạt động sản xuất, phân phối hàng giả hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống quản lý, dù có lực lượng đông đảo, vẫn tỏ ra bị động – chỉ xử lý sau khi sự việc được phản ánh trên báo chí hoặc mạng xã hội, thay vì chủ động phát hiện.
“Trên cùng một lĩnh vực quản lý, cần có sự phân định trách nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng các cơ quan đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau với lý do thiếu nhân lực hoặc không đủ điều kiện,” ông An nói và đề xuất cần tăng cường giám sát cán bộ tại các đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân.
Cần kiểm soát quyền lực và tăng cường liêm chính trong quản lý
Từ vụ việc của cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh yếu tố đạo đức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ quản lý là yếu tố then chốt. Ông cho rằng, trong khi vẫn phải trông chờ vào ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, thì sự nghiêm minh và liêm chính của cơ quan quản lý mới là hàng rào đầu tiên ngăn chặn hàng giả và hành vi trục lợi.
Vị đại biểu kiến nghị tăng cường giám sát nội bộ và phát huy vai trò phản ánh từ báo chí, người dân, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu tiêu cực. Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả ngay từ bên trong, thì nguy cơ “cục trưởng nhận phong bì từ cấp dưới”, như trong vụ việc này, hoàn toàn có thể tái diễn.