Dự thảo Thông tư bỏ các hình thức kỷ luật công khai như đình chỉ học có thời hạn khiến nhiều hiệu trưởng lo lắng tính răn đe không còn đủ mạnh trong giáo dục học sinh.

Dự thảo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong ngành giáo dục. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là việc loại bỏ các hình thức kỷ luật công khai như đình chỉ học tập có thời hạn, khiển trách hay cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường. Thay vào đó là cách tiếp cận giáo dục tích cực, tập trung vào việc hỗ trợ cá nhân và phối hợp cùng phụ huynh.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường học bày tỏ sự lo ngại về tính răn đe của quy định mới nếu không đi kèm với những biện pháp thay thế đủ mạnh.
Thầy Trần Chí Bắc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên (Thái Bình) nhận định, việc hướng đến giáo dục nhân văn là rất cần thiết, nhưng trong thực tiễn có không ít trường hợp học sinh cá biệt mà chỉ những biện pháp mềm mỏng là chưa đủ. Nhiều em dù đã được nhắc nhở nhiều lần vẫn tiếp tục tái phạm, thậm chí gây ảnh hưởng đến tập thể.
Theo thầy Bắc, có những học sinh chỉ thay đổi hành vi sau khi gia đình can thiệp mạnh hoặc khi bị áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc như đình chỉ học tạm thời. Nếu chỉ sử dụng hình thức nhắc nhở riêng, nhà trường sẽ không còn công cụ đủ sức răn đe để giữ gìn kỷ cương. Ngoài ra, nhiều phụ huynh hiện nay giao phó toàn bộ trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, trong khi chính họ lại buông lỏng quản lý con em mình.
Từ góc nhìn quản lý, ông cho rằng, nếu mọi vi phạm đều được xử lý âm thầm, tính giáo dục tập thể sẽ bị suy giảm. Trong một môi trường học đường, việc công khai (trong khuôn khổ sư phạm và không làm tổn thương học sinh) vẫn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức tuân thủ nội quy.
Tương tự, thầy Lại Văn Vương – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu (Nam Định) cho rằng, nếu bỏ hết các hình thức kỷ luật công khai, việc giáo dục đạo đức và ý thức trách nhiệm sẽ mất đi điểm tựa quan trọng. Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là môi trường rèn luyện nhân cách.
Ông Vương dẫn chứng rằng, trong những năm gần đây, trường đã không còn phê bình học sinh đích danh trước toàn trường, nhưng vẫn duy trì đánh giá, nêu gương điển hình hoặc nhắc nhở tập thể trong giờ sinh hoạt. Nếu hình thức cảnh cáo cũng bị loại bỏ, học sinh sẽ khó nhận thức được hành vi sai trái của mình trong bối cảnh tập thể.
Ngoài ra, nhà trường vẫn áp dụng hình thức tạm dừng học trong những trường hợp thật sự nghiêm trọng, thường phối hợp cùng gia đình. Thậm chí có phụ huynh chủ động xin cho con nghỉ vài ngày để giáo dục riêng, hoặc cho con tham gia lao động trải nghiệm nhằm giúp các em nhìn nhận rõ hậu quả hành vi. Nếu hình thức tạm đình chỉ bị bãi bỏ, sẽ cần có giải pháp thay thế tương ứng để giữ vững hiệu quả giáo dục.
Ngược lại, thầy Bùi Văn Chiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Lạc (Hòa Bình) lại ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng, đề cao tính nhân văn trong giáo dục. Theo ông, việc nhắc nhở riêng thể hiện sự tế nhị và tôn trọng học sinh, đặc biệt phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Hình thức này giúp học sinh nhận ra lỗi lầm mà không bị tổn thương tâm lý trước bạn bè.
Tuy vậy, ông Chiên cũng lưu ý rằng không thể áp dụng máy móc một phương pháp cho mọi đối tượng. Những học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần vẫn cần có biện pháp can thiệp cụ thể, trong đó việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh đóng vai trò quyết định. Trường hợp đặc biệt có thể cân nhắc sử dụng cơ sở giáo dưỡng, không nhằm mục đích trừng phạt mà để tạo môi trường phù hợp hơn.
Từ thực tiễn tại các trường, các hiệu trưởng đều cho rằng, dù hướng đến môi trường giáo dục tích cực là xu hướng cần thiết, nhưng việc bỏ hoàn toàn hình thức đình chỉ hoặc kỷ luật công khai cần được xem xét thận trọng. Nếu không có biện pháp thay thế đủ mạnh, nhà trường có thể mất đi công cụ quản lý hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng và tính kỷ cương trong giáo dục học đường.
Họ cũng kiến nghị cơ quan quản lý nên tiếp thu ý kiến từ các nhà giáo trực tiếp giảng dạy và quản lý để chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn từng vùng, từng cấp học. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để các trường linh hoạt áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp, vừa bảo vệ quyền lợi học sinh, vừa duy trì môi trường học đường kỷ cương và tích cực.