Liên Hợp Quốc thảo luận quy định pháp lý ràng buộc về vũ khí tự động (robot sát thủ), nhấn mạnh không thể giao quyết định sống còn cho máy móc do AI điều khiển.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 79 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Thành phố New York vào ngày 27 tháng 9 năm 2024. (Reuters/Eduardo Munoz)
Ngày 13/5, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên đã nhóm họp để thảo luận vòng mới về các quy định đối với hệ thống vũ khí tự động gây chết người (LAWS), thường được gọi là “robot sát thủ”. Đây là chủ đề đã được cơ quan này quan tâm trong hơn một thập kỷ qua, và nay trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại Ukraine và Gaza.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi đặt mục tiêu đến năm 2026 phải xây dựng một khung pháp lý ràng buộc nhằm kiểm soát sự phát triển và sử dụng LAWS. Trong tuyên bố công khai, ông nhấn mạnh:
“Những cỗ máy có thể tự quyết định sinh mạng con người mà không cần can thiệp của con người là điều không thể chấp nhận về chính trị, đáng lo ngại về đạo đức và cần bị cấm theo luật pháp quốc tế. Chúng ta không thể giao phó những quyết định sống còn cho máy móc”.
Đồng quan điểm, bà Mirjana Spoljaric – Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) – cho rằng sự phát triển công nghệ hiện nay đang vượt quá tốc độ xây dựng khung pháp lý toàn cầu, gây ra nguy cơ nghiêm trọng đến đạo đức và nhân quyền.
“Những hệ thống này có thể làm biến đổi bản chất chiến tranh theo cách dẫn đến hậu quả nhân đạo sâu rộng. Toàn thể nhân loại đều chịu ảnh hưởng”, bà Spoljaric nhấn mạnh.
Dù trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là điều kiện bắt buộc để một hệ thống được xem là LAWS, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng AI đang ngày càng đóng vai trò hỗ trợ, làm tăng tính tự động hóa và nguy cơ mất kiểm soát trong vũ khí hiện đại. Một số hệ thống có thể hoạt động theo thuật toán lập trình sẵn mà không có sự giám sát thực tế của con người.
Vấn đề quy định pháp lý vẫn còn gây tranh cãi. Phó Chủ tịch Viện Đối tác Bảo thủ Hoa Kỳ, bà Rachel Bovard, cho rằng việc xây dựng các quy tắc quốc tế là cần thiết nhưng Mỹ phải thận trọng khi tham gia, nhằm không làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia.
“AI giống như miền Tây hoang dã. Mỗi quốc gia đều tìm cách thiết lập luật chơi riêng. Nhưng khi soạn thảo luật quốc tế, chúng ta cần đảm bảo lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng về lâu dài”, bà nói.
Kể từ năm 2014, các quốc gia tham gia Công ước về một số vũ khí thông thường đã liên tục họp để bàn về khả năng cấm toàn bộ hoặc kiểm soát chặt chẽ các hệ thống vũ khí tự động không có sự kiểm soát của con người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có điều ước quốc tế nào chính thức điều chỉnh vấn đề này.
Bức ảnh cho thấy máy bay không người lái của Trung Quốc được chụp tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào ngày 7 tháng 11 năm 2018. (Costfoto/Future Publishing qua Getty Images)
Đến năm 2023, hơn 160 quốc gia đã ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi thiết lập quy định về LAWS. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bước đi mang tính kêu gọi chính trị, chưa đủ để hình thành nghĩa vụ pháp lý bắt buộc.
Trước nguy cơ chiến tranh hiện đại có thể bị định hình bởi những thuật toán không minh bạch và thiếu trách nhiệm đạo đức, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý quốc tế cho vũ khí tự động đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.