Nga mở rộng hạn chế internet di động nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và quyền tự do internet của người dân.

Từ đầu mùa hè, Nga đã mở rộng quy mô ngắt kết nối internet di động trên khắp các vùng lãnh thổ, khiến hàng triệu người dân đối mặt với sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và làm dấy lên lo ngại về mức độ kiểm soát mạng đang gia tăng từ phía chính quyền.
Một đoạn video của blogger Pavel Osipyan, ghi lại cảnh anh vừa đi bộ vừa rap về tình trạng kết nối yếu ở thành phố Rostov-on-Don, đã thu hút hơn 500.000 lượt xem trên Instagram chỉ trong hai tuần. Trong video, Osipyan hài hước mô tả việc chỉ cần nhìn thấy cột sóng điện thoại là đủ biết người ta đang ở Rostov, nơi internet thường chỉ hoạt động đến trưa hoặc đôi khi mất hẳn.
Tình trạng kết nối chập chờn không chỉ giới hạn ở khu vực sát biên giới với Ukraine như Rostov-on-Don, mà đã lan rộng đến nhiều vùng xa hơn, bao gồm cả Siberia và Viễn Đông. Theo các quan chức, động thái này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine, nhưng hậu quả đối với người dân là rất rõ rệt.
Nhiều người được hãng tin AP phỏng vấn cho biết họ không thể thanh toán bằng thẻ, gọi xe công nghệ hoặc rút tiền từ máy ATM do mất kết nối. Wi-Fi tại nhà đôi khi cũng bị ảnh hưởng, khiến việc truy cập internet trở nên khó lường.
“Chúng tôi mất internet trong cả ngày. Cảm giác như đang sống trong một cái hang đá,” – một người dân ở Voronezh, nơi gần Ukraine, chia sẻ với điều kiện giấu tên vì lo ngại an ninh.
Đặc biệt trong những vùng nông thôn – nơi internet di động là phương tiện kết nối duy nhất – sự cố kéo dài khiến hiệu thuốc không thể xử lý đơn thuốc điện tử, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế cơ bản.
Các chuyên gia của tổ chức Access Now cảnh báo rằng, việc hợp thức hóa các biện pháp ngắt kết nối với lý do an ninh sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, trao cho chính quyền quyền kiểm soát lớn hơn đối với không gian mạng, nơi vốn đã bị siết chặt bởi các biện pháp kiểm duyệt suốt một thập kỷ qua.

Bắt đầu từ tháng 5, sau dịp kỷ niệm chiến thắng Phát xít Đức, chính quyền Moscow đã ngắt mạng internet di động trong nhiều ngày. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận đây là hành động có chủ đích để ngăn chặn nguy cơ từ máy bay không người lái. Ông khẳng định việc ngắt kết nối sẽ được áp dụng “khi nào cần thiết”.
Sarkis Darbinyan – luật sư và sáng lập tổ chức Roskomsvoboda – cho rằng sự kiện này đã trở thành một “tín hiệu chỉ đạo” cho các địa phương khác. Sau đợt tấn công bằng máy bay không người lái từ container xe tải hồi đầu tháng 6, nhiều khu vực bắt đầu chủ động cắt internet di động với quy mô lớn.

Tính đến giữa tháng 7, nhóm giám sát Na Svyazi cho biết có đến 73 trong tổng số hơn 80 khu vực tại Nga ghi nhận sự gián đoạn mạng di động. Trong số đó, hơn 40 khu vực còn bị ảnh hưởng cả mạng cố định, và một số nơi chỉ có Wi-Fi trong thời gian hạn chế.
Các chính quyền địa phương như Nizhny Novgorod thừa nhận việc duy trì tình trạng này là vì lý do an ninh, “cho đến khi mối đe dọa còn tồn tại.”

Tuy nhiên, sự gián đoạn không đều và khó đoán khiến người dân rơi vào tình trạng bị động. Dịch vụ có thể hoạt động ở một phường trong thành phố, nhưng lại mất hoàn toàn ở khu vực lân cận. Một số người ghi nhận rằng Wi-Fi trong nhà bị chậm hẳn sau 11 giờ đêm.
Ở các vùng như Belgorod, người dân phải dùng cách gõ vào hàng rào để cảnh báo lẫn nhau về các cuộc tấn công vì hệ thống báo động không hoạt động do mất mạng. Một số khu vực khác đang tìm cách khắc phục bằng cách thiết lập lại các điểm Wi-Fi công cộng.
“Mọi thứ liên quan đến việc bảo vệ an toàn cho người dân đều hợp lý và ưu tiên hàng đầu,” – người phát ngôn Dmitry Peskov trả lời khi được hỏi về tính hợp lý của việc ngắt mạng quy mô lớn.
Về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng đây là một phần trong chiến lược kiểm soát không gian mạng mà Nga đang theo đuổi suốt hai thập kỷ qua – tương tự như cách Trung Quốc kiểm soát internet nội địa. Từ sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, Nga đã chặn nhiều nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter và dịch vụ mã hóa như Signal. Việc truy cập YouTube cũng bị bóp băng thông vào năm ngoái.
Không chỉ dừng ở kiểm duyệt, các nhà chức trách còn chặn các công cụ vượt tường lửa như VPN, và đang phát triển ứng dụng nhắn tin quốc gia để thay thế các nền tảng nước ngoài.
“Thật đáng lo ngại khi người dân Nga đang dần thích nghi với các hạn chế về internet như một phần bình thường của cuộc sống.” – Anastasiya Zhyrmont, Giám đốc khu vực Đông Âu và Trung Á thuộc Access Now, cảnh báo.
Trong bối cảnh chiến tranh, an ninh có thể là ưu tiên, nhưng việc hạn chế quyền truy cập internet của hàng chục triệu người dân – vốn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống – sẽ tạo nên những hệ quả dài hạn không thể xem nhẹ.