Một nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy ngâm mình trong nước nóng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn so với xông hơi truyền thống.

Trong khi các nền văn hóa từ lâu đã sử dụng phòng xông hơi như một liệu pháp chăm sóc sức khỏe thì hiện nay, giới khoa học bắt đầu xác nhận hiệu quả của phương pháp này. Nghiên cứu mới từ Trung tâm Khoa học Thể thao Bowerman thuộc Đại học Oregon đã so sánh tác động của ba loại hình trị liệu bằng nhiệt phổ biến: phòng xông hơi khô truyền thống, phòng xông hơi hồng ngoại và ngâm mình trong bồn nước nóng. Kết quả cho thấy, nước nóng có thể là phương pháp vượt trội.
Công trình nghiên cứu này, được đăng trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ, là nghiên cứu đầu tiên kiểm chứng sự khác biệt tức thời giữa ba hình thức làm nóng thụ động này. Nhóm tác giả phát hiện rằng việc ngâm mình trong nước nóng giúp nâng cao thân nhiệt, hạ huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện khả năng phản ứng với căng thẳng do nhiệt. Đặc biệt, những tác động này không chỉ xuất hiện trong thời gian tiếp xúc với nước mà còn kéo dài sau đó.
Theo chia sẻ của Jessica Atencio, nghiên cứu sinh tiến sĩ dẫn đầu nghiên cứu, việc ngâm mình trong nước nóng là tác nhân mạnh nhất giúp làm tăng thân nhiệt – yếu tố kích hoạt các phản ứng sinh lý có lợi. Tăng nhiệt độ cơ thể thúc đẩy tuần hoàn máu và tạo ra lực tác động có lợi lên thành mạch, từ đó cải thiện sức khỏe mạch máu nói chung.
Nghiên cứu được thực hiện trên 20 người tham gia khỏe mạnh, độ tuổi từ 20 đến 28, có hoạt động thể chất đều đặn. Mỗi người lần lượt trải qua các buổi ngâm nước nóng và xông hơi trong hai loại phòng khác nhau. Các chỉ số như nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp tim và dấu hiệu của hệ miễn dịch được đo lường trước, trong và sau mỗi buổi trị liệu.
Dù cả ba hình thức trị liệu đều giúp tăng nhiệt độ cơ thể, nhưng ngâm trong nước nóng tạo hiệu ứng mạnh nhất. Nguyên nhân là do khi cơ thể chìm trong nước, quá trình làm mát bằng cách đổ mồ hôi bị hạn chế, dẫn đến phản ứng sinh lý mạnh mẽ hơn như giảm huyết áp tạm thời – một chỉ số tích cực, đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch.
Ngoài ra, chỉ phương pháp ngâm nước nóng mới tạo ra phản ứng viêm có thể đo lường được, thông qua sự thay đổi trong các nhóm tế bào miễn dịch và mức độ cytokine gây viêm. Điều này cho thấy hệ miễn dịch được kích thích nhẹ, từ đó cải thiện chức năng phòng vệ của cơ thể nếu áp dụng thường xuyên.
Atencio khuyến nghị rằng nếu không có bồn tắm nước nóng chuyên dụng, người dân vẫn có thể đạt được lợi ích tương tự khi tắm nước nóng tại nhà với điều kiện nước đủ nóng để gây đổ mồ hôi và làm cơ thể cảm thấy ấm áp hoặc nóng. Đây là tín hiệu cho thấy cơ thể đã tăng nhiệt và hệ tuần hoàn đang hoạt động tích cực để làm mát.
Cô cũng lưu ý rằng hiệu quả của liệu pháp nhiệt sẽ được tối ưu nếu kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể chất và giấc ngủ đầy đủ.
Giáo sư Christopher Minson, người đã có hơn hai thập kỷ nghiên cứu về liệu pháp nhiệt, cho biết các thay đổi sinh học tích cực này diễn ra ở cấp độ tế bào. Ông khẳng định: “Tôi tin chắc rằng nếu mọi người kiên trì thực hiện các liệu pháp nhiệt ở mức độ hợp lý, chúng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe.”
Theo các nhà khoa học, ngâm nước nóng là phương pháp đơn giản nhưng có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, cải thiện tuần hoàn và tăng cường khả năng miễn dịch – đặc biệt hữu ích với những người không thể vận động thường xuyên do điều kiện sức khỏe hoặc hạn chế khác.
Atencio hiện đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu để đánh giá rủi ro của căng thẳng nhiệt kéo dài ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng số lượng và cường độ các đợt nắng nóng, cùng với dân số đang già hóa, việc duy trì khả năng điều hòa thân nhiệt là vấn đề ngày càng đáng lo ngại. Theo bà, liệu pháp nhiệt – nếu được áp dụng phù hợp – có thể giúp người cao tuổi thích nghi tốt hơn với môi trường nhiệt độ cao, giảm thiểu nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra.