Chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam chuẩn hóa chương trình đào tạo bán dẫn và tăng liên kết doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong hội thảo “Tham vấn báo cáo đánh giá phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam” ngày 26/4 tại TP.HCM, do Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, hơn 70 đại biểu từ cơ quan quản lý, đại học, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đã cùng thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo bà Ekua Nuama Bentil – trưởng nhóm công nghệ giáo dục toàn cầu của WB, Đại học Quốc gia TP.HCM có nhiều lợi thế trong mở rộng đào tạo bán dẫn nhờ sở hữu chương trình giảng dạy mô phỏng theo chuẩn học viện kỹ thuật đẳng cấp quốc tế, cùng hệ thống trung tâm khởi nghiệp sáng tạo kết nối doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp như FPT, Faraday, Synopsys đã hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm và tổ chức khóa đào tạo thực tế ngay tại trường.
Tuy nhiên, bà Ekua cũng chỉ ra hàng loạt thách thức đang cản trở sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đào tạo bán dẫn Việt Nam, bao gồm: chương trình giảng dạy thiếu chuẩn hóa, cơ sở vật chất không đồng đều giữa các trường, tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ còn thấp, đầu ra nghiên cứu hạn chế và liên kết với doanh nghiệp chủ yếu mang tính cá nhân, chưa có cơ chế phối hợp chính thức.
Bà khuyến nghị: “Các doanh nghiệp cần xem Đại học Quốc gia TP.HCM là đối tác cung ứng nhân lực chiến lược, cùng tham gia vào quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành”.
Cùng quan điểm, GS.TS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – nhấn mạnh việc đào tạo nhân lực bán dẫn cần gắn với xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, tập trung vào đào tạo trình độ đại học và sau đại học, kết hợp chặt chẽ với đối tác quốc tế.
PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM – cũng nêu lên thực trạng khó khăn trong vận hành các phòng thí nghiệm thực hành do thiếu kinh phí duy trì, đặt áp lực tài chính lên sinh viên và ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Theo GS.TS Phan Bách Thắng – Giám đốc Trung tâm INOMAR, chỉ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu mà không bảo đảm vận hành dài hạn sẽ làm hệ thống đào tạo thiếu bền vững. Ông đề xuất Nhà nước nên xây dựng cơ chế đầu tư theo từng giai đoạn: ban đầu tài trợ 100% kinh phí, sau đó từng bước chuyển giao chi phí cho trường và doanh nghiệp.
Ông Gu-Yeon Wei, đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia có ngành bán dẫn phát triển mạnh như Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ và Malaysia. Ông khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm trung tâm R&D, trung tâm thiết kế IC, chương trình học bổng gắn cam kết làm việc, cùng hạ tầng nghiên cứu dùng chung.
Theo đó, giai đoạn 2025–2030 cần tập trung hiện đại hóa phòng thí nghiệm, đào tạo giảng viên, thành lập Trung tâm quốc gia về bán dẫn; giai đoạn 2030–2045 hướng tới hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra khoảng cách lớn giữa nhu cầu doanh nghiệp và kỹ năng thực tế của lực lượng lao động trong ngành bán dẫn Việt Nam. PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – nhận định: “Báo cáo này không chỉ phản ánh hiện trạng mà còn đóng vai trò tham vấn chính sách quan trọng, giúp nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chiến lược phát triển nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước”.