Lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong tháng 4, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ và bất ổn kinh tế toàn cầu.

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang và môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, ngành sản xuất Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ rệt. Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), lợi nhuận từ các doanh nghiệp công nghiệp lớn trong tháng 4 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức tăng 2,6% của tháng 3. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ngành công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng tích cực – một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lũy kế trong bốn tháng đầu năm 2025, lợi nhuận toàn ngành tăng 1,4%, với khu vực tư nhân đóng góp phần lớn vào đà tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục ghi nhận sụt giảm lợi nhuận. Đáng chú ý, các công ty có vốn đầu tư từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và nước ngoài cũng tăng trưởng ổn định, đạt mức lợi nhuận gần 543 tỷ nhân dân tệ – tăng 2,5%.
Ông Zhang Zhiwei – Chủ tịch Pinpoint Asset Management nhận định:
“Mặc dù các dữ liệu hiện tại cho thấy sự phục hồi tích cực, nhưng triển vọng nửa cuối năm vẫn chưa chắc chắn do những biến số trong quan hệ thương mại Trung – Mỹ.”
Tháng 4 vừa qua là giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang trước khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận đình chiến tạm thời vào giữa tháng 5 tại Geneva. Dù các mức thuế được gỡ bỏ phần nào, các lĩnh vực then chốt như công nghệ cao và chất bán dẫn vẫn là điểm nóng đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington.

Giữa lúc thương mại toàn cầu đối diện nhiều thách thức, Bắc Kinh đã chủ động đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Các nền tảng thương mại điện tử trong nước được huy động để hỗ trợ các nhà xuất khẩu tìm kiếm khách hàng trong nước, tạo lực đỡ cho tăng trưởng kinh tế.
Phân tích theo lĩnh vực, ngành chế biến nông sản và thực phẩm dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng ấn tượng 45,6%. Các ngành như sản xuất thiết bị điện và luyện kim cũng có sự phục hồi tốt. Tuy nhiên, các lĩnh vực như khai thác than, dầu khí và sản xuất ô tô tiếp tục gặp khó khăn – đặc biệt ngành than chứng kiến lợi nhuận sụt giảm tới 48,9%.
Cùng với đà tăng lợi nhuận, sản lượng công nghiệp tháng 4 cũng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái – vượt dự báo của các chuyên gia phân tích trên nền tảng dữ liệu Wind. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tiếp tục giữ đà tăng ổn định 5,1%, cho thấy tiêu dùng nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trong một động thái mang tính chiến lược, Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu đã nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mở cửa thị trường ở cấp độ cao hơn, và ổn định niềm tin xã hội cũng như môi trường đầu tư – những yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định trong dài hạn.
Dù triển vọng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức, đà tăng trưởng của ngành sản xuất Trung Quốc trong quý II là một minh chứng cho năng lực ứng phó linh hoạt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước những cơn sóng gió từ bên ngoài.