Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân là động lực then chốt, đặt mục tiêu đóng góp tới 60% GDP vào năm 2045, với loạt cải cách đột phá.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, khẳng định vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước. Theo đó, kinh tế tư nhân không chỉ là một trong những thành phần chủ đạo, mà được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn mới.
Kinh tế tư nhân: Lực lượng tiên phong, còn nhiều rào cản
Bộ Chính trị đánh giá, sau gần 4 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến tích cực về quy mô lẫn chất lượng. Khu vực này ngày càng khẳng định vai trò trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, cũng như nâng cao năng suất và sức cạnh tranh quốc gia.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do đối mặt với loạt rào cản lớn như: khó tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và chi phí kinh doanh cao. Đồng thời, tư duy chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của doanh nghiệp tư nhân và thể chế pháp lý còn chồng chéo cũng cản trở sự bứt phá.
Đổi mới tư duy, khơi thông nguồn lực cho khu vực tư nhân
Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu cấp bách phải xóa bỏ định kiến với khu vực tư nhân, xác lập một tư duy mới trong xây dựng và thực thi pháp luật, dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận là lực lượng nòng cốt trên mặt trận kinh tế, có quyền bình đẳng và được bảo vệ toàn diện về quyền tài sản, quyền cạnh tranh, quyền tự do kinh doanh.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết kinh tế, thay vì lạm dụng cơ chế hành chính hay tư duy “xin – cho”. Nhà nước cần thực hiện quản trị công hiện đại, minh bạch, phục vụ và kiến tạo, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm thay vì là đối tượng quản lý bị động.
Mục tiêu rõ ràng, chính sách cụ thể
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực tư nhân đóng góp 55–58% GDP, đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, với ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, con số này sẽ nâng lên 3 triệu doanh nghiệp, chiếm trên 60% GDP, thể hiện sự dịch chuyển trọng tâm từ kinh tế nhà nước sang nền kinh tế dựa trên sáng tạo và hiệu quả.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai 8 nhóm giải pháp đột phá, đáng chú ý gồm:
- Cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ ngay trong năm 2025.
- Bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập.
- Thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, với chính sách giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu sau khi ký hợp đồng.
Ngoài ra, các chính sách cũng hướng đến việc bảo vệ thực thi hợp đồng, bảo đảm quyền sở hữu và môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.