Người giúp việc nước ngoài tại Hồng Kông đang phải đối mặt với quấy rối, bóc lột và các bẫy nợ nguy hiểm, trong khi hệ thống pháp lý không đủ bảo vệ họ khỏi các tổ chức cho vay và lừa đảo tinh vi.

Jenny, một người giúp việc đến từ Philippines, đã tỉnh dậy giữa cơn ác mộng: một bức ảnh khiêu dâm giả mạo kèm lời đe dọa từ kẻ cho vay nặng lãi – tất cả chỉ vì cô vay tiền để cứu con gái đang nguy kịch. Câu chuyện của Jenny là ví dụ điển hình về tình trạng người giúp việc Hồng Kông, phần lớn là phụ nữ từ Philippines và Indonesia, đang đối mặt với rủi ro tài chính, lừa đảo tinh vi và thiếu vắng bảo vệ pháp lý.

Từ năm 2013 đến nay, Jenny đã chật vật mưu sinh tại Hồng Kông, nơi mà người giúp việc nước ngoài như cô là lực lượng lao động thiết yếu cho hơn 7,5 triệu dân. Với mức lương tối thiểu 4.990 đô la Hồng Kông mỗi tháng – phần lớn được gửi về quê nhà – nhiều lao động buộc phải vay tiền để chi trả phí tuyển dụng. Trong nhiều trường hợp, họ bị ép ký các hợp đồng vay vốn bất hợp pháp trước khi xuất cảnh. Khi đến nơi, một cú trượt chân nhỏ cũng có thể kéo theo chuỗi ngày khốn khổ.

Dù luật pháp Hồng Kông quy định người giúp việc phải sống cùng chủ lao động – điều dễ dẫn đến lạm dụng và quấy rối – nhưng nhiều nạn nhân vẫn chọn im lặng vì lo sợ bị sa thải. Họ chỉ được ở lại thành phố trong vòng 14 ngày sau khi kết thúc hợp đồng, một khoảng thời gian quá ngắn để tìm việc mới. Dù đã làm việc nhiều năm, họ vẫn không được phép xin cư trú dài hạn.

Trong bối cảnh đó, người giúp việc trở thành “con mồi” lý tưởng cho những kẻ cho vay nặng lãi và các tổ chức tội phạm. Manisha Wijesinghe, Giám đốc HELP – tổ chức hỗ trợ lao động nhập cư – cho biết nhiều người bị dụ dỗ tham gia các ứng dụng vay nợ hoặc trò chơi ảo trá hình, rồi bị đánh cắp thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng trái phép. Từ đây, họ bị cuốn vào đường dây rửa tiền mà không hề hay biết, như trường hợp Jolene – bị bắt giữ, thẩm vấn và giam giữ qua đêm chỉ vì thông tin cá nhân bị lợi dụng.

Thậm chí, không hiểu luật hoặc thông tin phiên dịch sai lệch cũng khiến người lao động phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Như Hirushi – một bà mẹ Sri Lanka – bị giam giữ vì quá hạn visa mà không hề biết hợp đồng cũ đã kết thúc. Quá lo lắng, cô xin tị nạn trong hiểu lầm, dẫn đến hai tháng bị giam và nhập viện tâm thần.
“Các dịch vụ được cho là hỗ trợ pháp lý, nhưng thực tế không đáp ứng được nhu cầu thật của người lao động,” Wijesinghe nói. “Chỉ một hiểu nhầm nhỏ cũng đủ đẩy họ vào vòng xoáy pháp lý khó thoát.”
Các tổ chức như Branches of Hope đã ghi nhận nhiều trường hợp bị ngược đãi như ngủ ngoài ban công, dùng chung chén bát với vật nuôi, hoặc không được sử dụng nhà vệ sinh vào ban ngày. Nhưng người lao động không dám lên tiếng vì sợ mất việc và không thể trả nợ.

Mặc dù chính quyền Hồng Kông khẳng định không dung thứ hành vi bóc lột, nhưng các quy định lại đang khiến người lao động rơi vào thế yếu. Các khoản vay không có bảo đảm, cộng với việc phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà, làm gia tăng nguy cơ tổn thương – cả về tài chính lẫn tinh thần.

Jenny hiện tại đã có công việc mới, sau khi tố cáo và rời khỏi nhà chủ cũ. Dù vậy, cô vẫn đang gồng gánh khoản nợ 7.000 đô la vay từ bạn bè. Với lãi suất 10% và kỳ hạn bốn năm, cô không biết khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường.
“Tôi không biết phải làm sao để ổn định trở lại,” Jenny nghẹn ngào. “Nhưng tôi tự hào vì mình vẫn mạnh mẽ.”
Câu chuyện của Jenny, Jolene và Hirushi là hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền và cộng đồng quốc tế về những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc bảo vệ hàng trăm ngàn người lao động nhập cư đang sống và làm việc tại Hồng Kông – những người đang “đi dây” giữa bẫy nợ, lừa đảo và lạm dụng, nhưng vẫn gắng gượng mỗi ngày vì gia đình và tương lai.




