Khảo sát năm 2024 cho thấy 39,3% người dân Nhật Bản cảm thấy cô đơn dù chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống cô lập xã hội
(Ảnh: Tomoko Otake)
Một nghiên cứu toàn quốc mới đây do Chính phủ Nhật Bản thực hiện đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại: hơn 1/3 người dân nước này thừa nhận từng trải qua cảm giác cô đơn, bất chấp việc chính quyền đã triển khai nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng cô lập xã hội sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, theo báo Japan Today, khảo sát năm 2024 với quy mô 20.000 người từ 16 tuổi trở lên cho thấy, có tới 39,3% người tham gia thừa nhận rằng họ “luôn luôn”, “thường xuyên” hoặc “đôi khi” cảm thấy cô đơn. Đáng chú ý, tỷ lệ này hầu như không thay đổi so với năm 2023 và vẫn duy trì ở mức cao kể từ khi nghiên cứu này bắt đầu vào năm 2021.
Điểm mới trong khảo sát năm nay là lần đầu tiên cơ quan chức năng xem xét mối liên hệ giữa mức độ cô đơn và thời gian sử dụng điện thoại thông minh. Kết quả hé lộ một mối tương quan đáng lưu ý: 13,3% người sử dụng điện thoại hơn 8 tiếng mỗi ngày cho biết họ thường xuyên hoặc luôn cảm thấy cô đơn – con số cao hơn hẳn các nhóm có thời gian sử dụng ít hơn.
Người cao tuổi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cô đơn được người tham gia liệt kê bao gồm mất người thân (24,6%), sống một mình, rời bỏ môi trường học tập hoặc làm việc cũ, và gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần nghiêm trọng. Đây đều là các yếu tố dễ khiến con người rơi vào trạng thái thu mình, mất kết nối xã hội.
Dù đã ban hành luật chuyên biệt để đối phó với tình trạng cô lập, Nhật Bản dường như vẫn đang loay hoay tìm cách khắc phục một hiện tượng ngày càng phổ biến: cảm giác bị bỏ rơi trong xã hội công nghiệp hiện đại, đặc biệt khi dân số nước này đang già hóa nhanh chóng.
“Bóng ma cô đơn” không chỉ dừng lại ở cảm giác buồn bã, mà còn kéo theo những hệ lụy nặng nề. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất chính là hiện tượng “kodokushi” – những cái chết trong cô đơn. Theo dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong quý I năm 2024, đã có gần 22.000 trường hợp người chết một mình trong nhà. Trong đó, gần 80% là người trên 65 tuổi. Dự báo đến cuối năm 2024, con số này có thể lên đến 68.000 trường hợp, cao gấp 2,5 lần so với năm 2011.
Trước thực trạng này, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các chính quyền địa phương đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức cộng đồng và khu vực tư nhân để thành lập các nhóm hỗ trợ xã hội. Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp nhận diện sớm những cá nhân gặp khó khăn, chủ động can thiệp và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tinh thần toàn diện hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng nếu không cải tổ sâu rộng về mô hình sinh sống đô thị, chất lượng giao tiếp xã hội và chăm sóc người cao tuổi, thì những nỗ lực hiện tại có thể chỉ là giải pháp tạm thời – không đủ để hóa giải hoàn toàn “bóng ma cô đơn” đang âm thầm bao trùm quốc gia mặt trời mọc.