Từ một phụ nữ nông thôn chịu đựng bạo hành gia đình, bà Phạm Xuân Lệ, 50 tuổi, bất ngờ trở thành hiện tượng hài kịch tại Trung Quốc khi nói đùa về chính bi kịch của mình. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của bà đã vấp phải sự chú ý từ chính quyền.

Với vẻ ngoài giản dị và mái tóc ngắn, bà Phạm Xuân Lệ mang dáng dấp đặc trưng của một phụ nữ trung niên đến từ vùng nông thôn Trung Quốc. Sự xuất hiện của bà hoàn toàn khác biệt giữa dàn thí sinh trẻ tuổi đang cạnh tranh trong “Vua hài độc thoại”, một trong những cuộc thi hài kịch nổi tiếng nhất được phát sóng trên nền tảng iQiyi.
Khi người phụ nữ 50 tuổi này cất lời, những câu chuyện châm biếm sâu cay về người chồng cũ vũ phu đã khiến khán giả không thể nhịn cười nhưng cũng đầy xúc động. Bà Phạm, người tự nhận việc biết dùng Internet đã khiến mình “trở thành Elon Musk của làng”, nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong làng hài độc thoại đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Đây là một loại hình nghệ thuật giúp giải tỏa những bức xúc trong một xã hội thường hạn chế các cuộc thảo luận cởi mở.

Tuy nhiên, quan điểm thẳng thắn của bà về chế độ gia trưởng và bạo lực gia đình dường như đã làm một số quan chức lo ngại. Trong bối cảnh Trung Quốc đang khuyến khích phụ nữ quay về với vai trò truyền thống để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học, các phong trào nữ quyền thường bị xem là ảnh hưởng tiêu cực từ phương Tây.
Trong buổi diễn đưa tên tuổi mình vụt sáng, bà Phạm đã vạch trần nghịch lý mà nhiều nạn nhân bạo hành phải đối mặt. Bà kể lại chuyện bị chồng cũ đánh đập, nhưng khi muốn ly hôn, chính cha ruột lại cảnh báo bà không được làm gia đình mất mặt. “Đàn ông dính vào bạo lực gia đình thì không xấu hổ, nhưng phụ nữ đòi ly hôn mới là điều đáng xấu hổ,” câu nói của bà đã nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt.
Màn trình diễn này dường như đã khiến chính quyền địa phương ở tỉnh Chiết Giang không hài lòng. Trong một thông báo không nêu đích danh bà Phạm nhưng ám chỉ đến “viên ngọc quý của ngành” – biệt danh ban giám khảo đặt cho bà, cơ quan tuyên truyền địa phương đã cảnh báo rằng những câu đùa như vậy là “chất xúc tác” gây ra xung đột giới. Thông báo cho rằng một số chương trình đang đi chệch hướng hài hước và liên tục khoét sâu vào “sự đối lập nam-nữ”.
Xuất thân của bà Phạm được cho là một phần nguyên nhân gây ra sự chú ý này.
Bà Meng Bingchun, giáo sư truyền thông tại Trường Kinh tế London (LSE), nhận định: “Bà ấy là một phụ nữ trung niên xuất thân từ nông thôn, không phải là kiểu nhà nữ quyền ưu tú tự do điển hình ở thành thị. Điều này dường như chỉ ra rằng sự bất mãn và than phiền liên quan đến các vấn đề giới tính và các giá trị gia trưởng, Nho giáo truyền thống có lẽ lan rộng hơn mức mà họ (chính quyền) sẵn sàng thừa nhận”.
Đây không phải lần đầu một nữ diễn viên hài gặp rắc rối. Cuối năm ngoái, nữ danh hài Dương Lệ đã bị công ty thương mại điện tử JD cắt hợp đồng sau làn sóng tẩy chay từ một bộ phận khán giả nam, những người vẫn còn tức giận vì câu nói đùa đặc trưng của cô 5 năm trước: “Sao anh ta trông bình thường thế mà vẫn tự tin đến vậy?”
Bản thân bà Phạm chưa bao giờ tự nhận là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Lớn lên ở vùng quê Sơn Đông, bà chỉ được học hết cấp hai. Bà kết hôn sớm với hy vọng thoát khỏi cảnh bị xem nhẹ, nhưng rồi nhận ra “gia đình và hôn nhân đã trói buộc phụ nữ”.
Bà kể lại những trận đòn từ chồng và cha chồng khiến mặt mày bầm tím. Khi bà chạy về nhà mẹ đẻ đòi ly hôn, mẹ bà lại khuyên chỉ nên chấm dứt mối quan hệ nếu chồng ngoại tình. Bà đã nung nấu ý định ly hôn suốt hơn hai thập kỷ. Giọt nước tràn ly đến vào khoảng một hai năm trước, khi bà lại bắt gặp chồng mình ăn cháo trực tiếp từ muôi. Hình ảnh đó khiến bà quyết tâm “ra đi không ngoảnh lại”.
Sau khi chấp nhận nhượng lại cả hai căn nhà để được ly hôn, bà quyết định thử sức với hài độc thoại. Con đường đến với sân khấu của bà cũng rất tình cờ. Năm 2023, trong lúc túng thiếu, bà phải bán trang sức để đi xem thần tượng của mình là diễn viên hài Lý Ba biểu diễn. Trong chương trình, bà đã có màn đối đáp ứng biến thông minh, gây ấn tượng với Lý Ba và được anh giới thiệu vào nghề.
Giờ đây, những trải nghiệm cay đắng trong quá khứ đã trở thành chất liệu cho các màn trình diễn của bà. Bà chế giễu chồng cũ, người mà bà gọi là “corgi” vì vóc dáng nhỏ bé, và cả những chủ đề cấm kỵ khác như chuyện mãn kinh. “Thời kỳ mãn kinh của tôi sẽ đến cùng với sự ra mắt của tôi,” bà nói đùa về sự nổi tiếng muộn màng của mình.
Nhiều khán giả bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc. Chị Zhang Yuanqi, người có mẹ cũng từng là nạn nhân bạo hành, cho biết: “Họ không cố khơi dậy ‘sự đối lập giới tính’; họ chỉ biến trải nghiệm sống của mình thành trò đùa”.
Về phần mình, bà Phạm chia sẻ trên tạp chí Sanlian Lifeweek rằng hài kịch đã giúp bà chữa lành. “Sự thay đổi lớn nhất của tôi kể từ khi bắt đầu diễn hài độc thoại là tôi không còn tức giận với mọi hành động của chồng cũ nữa. Có một cảm giác hòa giải.”