Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tìm ra cách lão hóa có thể lan từ bộ phận này sang bộ phận khác thông qua đường máu, mở ra hướng điều trị đảo ngược lão hóa.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hàn Quốc vừa công bố phát hiện đột phá về cách thức lão hóa lan truyền trong cơ thể thông qua đường máu, cung cấp cơ sở quan trọng để phát triển các phương pháp điều trị làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa.
Giáo sư Ok Hee Jeon và cộng sự đã tập trung nghiên cứu một loại protein đặc biệt gọi là High Mobility Group Box 1 (HMGB1), vốn được tiết ra bởi các tế bào già hoặc lão hóa. Protein này thuộc nhóm các phân tử tiết liên quan đến lão hóa (SASP), đóng vai trò tín hiệu giao tiếp giữa các tế bào.
Trước đây, người ta cho rằng các tế bào lão hóa chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, phát hiện mới này cho thấy lão hóa có thể lan truyền xa hơn, thông qua dòng máu, gây ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác trong cơ thể.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định một dạng protein HMGB1 đặc biệt là ReHMGB1 (HMGB1 giảm), có khả năng di chuyển qua mạch máu, từ đó kích hoạt lão hóa tại các mô xa như da, cơ và thận. Thử nghiệm trên chuột và các tế bào người trong phòng thí nghiệm cho thấy ReHMGB1 có thể trực tiếp khiến tế bào khỏe mạnh bắt đầu lão hóa và làm yếu cơ bắp.
Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện thử nghiệm trên chuột bị chấn thương cơ, phát hiện rằng những con được điều trị bằng kháng thể chặn HMGB1 hồi phục nhanh hơn, ít dấu hiệu lão hóa và cải thiện sức mạnh đáng kể.
Kết quả này không chỉ làm sáng tỏ cơ chế lây lan của lão hóa mà còn mở ra tiềm năng điều trị mới, hướng đến việc hạn chế hoặc đảo ngược các dấu hiệu lão hóa bằng cách ngăn chặn protein HMGB1 di chuyển trong máu. Theo Giáo sư Jeon, phát hiện này khẳng định lão hóa không còn là vấn đề cục bộ mà có thể lan truyền khắp cơ thể, tạo cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.