Nghiên cứu mới phát hiện dấu hiệu sinh học STRESS giúp sàng lọc sớm ung thư tuyến tụy, một trong những dạng ung thư nguy hiểm và khó phát hiện nhất.

Một nghiên cứu đột phá vừa được công bố bởi Đại học California San Diego đã xác định một dấu hiệu sinh học tiềm năng có thể giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy – một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay. Khám phá này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh vốn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”.
Ung thư tuyến tụy, đặc biệt là dạng phổ biến nhất là ung thư ống tụy (PDAC), có tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa đến 10%. Điều này phần lớn do bệnh thường được phát hiện muộn, khi các tế bào ung thư đã lan rộng và không còn khả năng phẫu thuật triệt để. Chỉ tính riêng tại Mỹ trong năm 2023, đã có hơn 62.000 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh này.

Trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học đã tập trung vào mối liên hệ giữa tình trạng viêm, căng thẳng tế bào và hoạt động của protein STAT3 – một chất kích hoạt phiên mã được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển khối u. Theo đó, STAT3 không chỉ giúp các tế bào ung thư sống sót trong môi trường khắc nghiệt mà còn tăng khả năng kháng điều trị.
Điểm đáng chú ý là STAT3 đã được chứng minh kích hoạt một nhóm gen, trong đó có Integrin β3 (ITGB3), có vai trò thúc đẩy sự hình thành và tiến triển của ung thư ống tụy. Các nhà khoa học phát hiện rằng khi tế bào tuyến tụy bị căng thẳng do viêm hoặc thiếu oxy – hoặc thậm chí sau khi hóa trị – STAT3 sẽ kích hoạt biểu hiện ITGB3, khiến các tế bào này dễ chuyển thành ác tính.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng ITGB3 là một phần trong bộ 10 gen mà STAT3 điều phối, tạo nên một dấu hiệu sinh học mới gọi là STRESS,” nhóm nghiên cứu cho biết.
STRESS không chỉ giúp nhận biết các tế bào tiền ung thư có khả năng phát triển thành ung thư hay không, mà còn cung cấp một công cụ tiên lượng về mức độ nguy hiểm và tốc độ tiến triển của khối u. Đây là bước tiến lớn trong việc phân tầng nguy cơ bệnh nhân và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa.
Điều đáng kỳ vọng hơn là nhóm nghiên cứu đang tìm cách phát triển các loại thuốc có khả năng ngăn chặn STAT3 và ITGB3, từ đó kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư. Nếu thành công, liệu pháp này không chỉ áp dụng cho ung thư tuyến tụy mà còn mở rộng sang các loại ung thư có liên quan đến bề mặt biểu mô như phổi, vú và da.
Phát hiện này có thể là “chìa khóa vàng” để cải thiện tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy, nhờ vào khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm – khi cơ hội chữa trị vẫn còn khả thi. Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nhằm thương mại hóa công cụ sàng lọc này trong tương lai gần.