Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính thức được Quốc hội phê chuẩn, tạo hành lang pháp lý khuyến khích nghiên cứu, chấp nhận rủi ro và thúc đẩy sáng tạo.

Với 435/438 đại biểu đồng thuận, sáng ngày 27 tháng 6, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 73 điều, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2025. Đây là lần đầu tiên khái niệm “đổi mới sáng tạo” được luật hóa, đặt ngang hàng cùng khoa học và công nghệ, hướng đến thúc đẩy sự lan tỏa toàn xã hội.
Luật đề ra các chính sách đột phá như miễn trách nhiệm pháp lý với các rủi ro khách quan trong nghiên cứu, khuyến khích thử nghiệm mạo hiểm, đồng thời tăng quyền tự chủ tài chính trong quá trình nghiên cứu. Điểm nhấn đáng chú ý là việc Nhà nước khẳng định vai trò kiến tạo thể chế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại.
Theo luật, Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, hình thành mạng lưới trung tâm nghiên cứu trình độ cao tại các trường đại học và viện chuyên ngành. Đồng thời, việc chuyển giao công nghệ và đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng được đẩy mạnh, đặc biệt ở vùng khó khăn như miền núi, hải đảo.
Một nội dung đột phá là quy định miễn trách nhiệm dân sự, hành chính – thậm chí cả hình sự – cho tổ chức, cá nhân nếu xảy ra thiệt hại khách quan trong quá trình nghiên cứu và họ đã tuân thủ đúng quy định, không vi phạm pháp luật. Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí rủi ro và quy trình đánh giá.
Luật còn định hướng chiến lược phát triển dựa trên nhu cầu thị trường, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các công nghệ mang tính chiến lược, có khả năng tạo đột phá sẽ được ưu tiên nguồn lực, đi kèm các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế và đầu tư mạo hiểm.

Để nâng cao hiệu quả thực thi, Luật cũng cho phép áp dụng cơ chế khoán chi linh hoạt cho các nhiệm vụ nghiên cứu, từ khoán đến sản phẩm cuối cùng cho đến khoán từng phần. Tổ chức chủ trì được tự quyết chi phí, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, miễn sao đảm bảo sử dụng đúng mục đích và sẵn sàng giải trình khi cần.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, luật mới không chỉ chuyển đổi tư duy từ “kiểm soát đầu vào” sang “đánh giá đầu ra”, mà còn cho phép tổ chức, cá nhân sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa và được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ sản phẩm ứng dụng. Họ cũng được miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập này.
“Thay vì tiếp cận nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, chúng ta lần đầu tiên chuyển trọng tâm sang hướng thị trường, để thị trường dẫn dắt đổi mới công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Luật này được kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đưa Việt Nam tiến gần hơn với mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, sáng tạo và giá trị gia tăng cao.