Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, mức cao nhất trong 15 năm qua, vượt trội so với các nước Đông Nam Á.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đạt 7,52%, mức cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia. Thông tin được bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, công bố tại buổi họp báo ngày 5 tháng 7 năm 2025 tại Hà Nội.
So với giai đoạn 5 năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm lần lượt là: 5,71% (2021), 7,01% (2022), 3,91% (2023), 6,64% (2024) và 7,52% (2025), cho thấy xu hướng phục hồi rõ rệt sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và biến động toàn cầu.
Riêng trong quý II năm nay, GDP tăng trưởng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, chiếm tỷ trọng đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, chiếm tới 52,21% trong tổng mức tăng.
Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính khi giá trị tăng thêm của toàn ngành đạt mức tăng trưởng 8,07%, trong khi ngành xây dựng tăng tới 9,62% so với cùng kỳ. Dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 cũng được điều chỉnh phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại, với tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 43,4%, công nghiệp và xây dựng 36,9%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 11,2%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,3%.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh
Một tín hiệu tích cực khác là sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong tháng 6 năm 2025, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp mới, với tổng vốn đăng ký gần 176.800 tỷ đồng và gần 137.200 lao động đăng ký.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng cộng có 91.200 doanh nghiệp mới ra đời, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký đạt gần 820.900 tỷ đồng, với gần 591.100 lao động được tuyển dụng mới, cho thấy sự hồi phục vững chắc của khối doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng không nhỏ, với hơn 80.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 34.000 doanh nghiệp chờ giải thể và 12.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể – tăng 23,3% so với năm trước.
Xuất siêu và tiêu dùng nội địa tiếp tục khởi sắc
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2025 đạt kết quả ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 432 tỷ USD, tăng 16,1%. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 17,9%, tạo ra mức xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ, riêng tháng 6 là 1,46 triệu lượt – mức tăng trưởng đáng khích lệ cho ngành du lịch.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2025 tăng 0,48% so với tháng trước, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng tăng cao. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27%, nằm trong ngưỡng kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Với bức tranh tăng trưởng đồng đều từ công nghiệp, dịch vụ đến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững, tạo nền tảng tích cực cho cả năm 2025.