Thảm họa sữa nhiễm thạch tín năm 1955 tại Nhật Bản khiến hơn 130 trẻ tử vong, hàng chục nghìn trẻ bị nhiễm độc, để lại vết thương không nguôi trong xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn, ý thức về an toàn thực phẩm khi đó còn rất hạn chế. Công ty Morinaga đã sử dụng nguyên liệu dicalcium phosphate bị nhiễm thạch tín để sản xuất sữa bột cho trẻ em. Một số báo cáo còn cho biết, thạch tín đã bị pha lẫn vào chất bảo quản disodium phosphate trong quy trình sản xuất. Sự lỏng lẻo trong kiểm định chất lượng đã tạo điều kiện cho độc tố âm thầm xâm nhập vào nguồn dinh dưỡng của những sinh linh bé bỏng.
Nạn nhân của sữa nhiễm thạch tín từ sữa Morinaga. Ảnh: GetArchive
Tháng 6/1955, những câu chuyện về các em bé ốm yếu, tiêu chảy, nôn mửa, bụng trướng to và da xám xịt bắt đầu xuất hiện trên các trang báo địa phương. Các bệnh viện trở nên quá tải, những người mẹ tuyệt vọng rơi lệ khi chứng kiến con thơ vật vã trong đau đớn.
Ban đầu, danh tính Morinaga Milk bị che giấu. Chỉ khi những nghi ngờ dấy lên mạnh mẽ cùng với áp lực từ báo chí và công chúng, tên công ty mới chính thức bị công khai vào tháng 8/1955. Làn sóng phẫn nộ lập tức bùng nổ khắp cả nước.
Theo thống kê, hơn 12.000 trẻ sơ sinh đã bị nhiễm độc, trong đó ít nhất 130 em đã thiệt mạng. Những trẻ sống sót thường mang di chứng nặng nề: tổn thương não, liệt vận động, suy giảm khả năng nhận thức và mất khả năng tự lập.
Từ góc độ y học, thạch tín (arsenic) là một trong những chất độc nguy hiểm nhất. Khi xâm nhập vào cơ thể, thạch tín phá hủy các enzym chuyển hóa, gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận, hệ thần kinh và hệ hô hấp. Ngộ độc cấp tính có thể khiến nạn nhân tử vong chỉ trong vòng vài giờ, còn ngộ độc mãn tính để lại hậu quả lâu dài như ung thư da, ung thư phổi, suy gan thận và các tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Morinaga Milk bị xã hội chỉ trích nặng nề vì sự vô trách nhiệm trong quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Ban đầu, Tòa án Tokushima tuyên bố bị đơn vô tội, khiến dư luận phẫn nộ. Mãi đến năm 1966, Tòa án cấp cao Takamatsu mới đảo ngược phán quyết, tuyên án ba năm tù đối với người đứng đầu quy trình sản xuất của công ty.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài 18 năm, đi kèm là những cuộc biểu tình đẫm nước mắt của các gia đình nạn nhân. Những người mẹ gồng mình ôm những đứa trẻ tật nguyền, kiên trì đấu tranh đòi lại công lý cho con em mình.
Năm 1974, Quỹ Hikari được thành lập nhằm hỗ trợ các nạn nhân hồi nhập xã hội, tạo điều kiện cho họ được học tập, làm việc và sống một cuộc đời tương đối bình thường. Đến năm 2019, đã có 13.451 người được công nhận là nạn nhân chính thức của thảm họa này.
Mẹ của các nạn nhân vụ sữa nhiễm thạch tín từ sữa Morinaga. Ảnh: GetArchive
Dù Nhật Bản đã không ngừng nỗ lực khắc phục hậu quả, thảm họa Morinaga vẫn để lại vết sẹo sâu đậm trong lương tâm xã hội. Đó là bài học cay đắng về sự cần thiết của đạo đức trong sản xuất thực phẩm và tầm quan trọng tối thượng của việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.