Thủ đô Kabul của Afghanistan đang đứng trước nguy cơ trở thành thành phố hiện đại đầu tiên cạn kiệt nước, do biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước và khai thác quá mức.

Mỗi sáng, khi ánh nắng đầu ngày tràn xuống các dãy núi khô cằn bao quanh thủ đô Kabul, hàng triệu người dân lại bước vào cuộc chiến sinh tồn quen thuộc: tìm kiếm nước sạch. Với nhiều gia đình như của bà Raheela, 42 tuổi, đây là cuộc chiến không có hồi kết. “Chúng tôi không có nước uống. Tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống”, bà chia sẻ khi đang hứng từng lít nước từ xe bồn trên phố.
Một báo cáo mới từ tổ chức từ thiện quốc tế Mercy Corps đã cảnh báo rằng Kabul đang tiến gần đến viễn cảnh trở thành thủ đô đầu tiên trên thế giới hiện đại bị cạn kiệt nước – một thảm họa nhân đạo tiềm tàng với tác động lan rộng đến kinh tế, y tế và giáo dục.
Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này là sự kết hợp nguy hiểm giữa biến đổi khí hậu, dân số tăng không kiểm soát và việc khai thác nước ngầm quá mức. Theo Mercy Corps, mỗi năm Kabul khai thác vượt ngưỡng tự tái tạo tự nhiên tới 44 triệu mét khối nước ngầm. Gần một nửa số giếng khoan ở thành phố đã khô cạn, đẩy hàng trăm nghìn hộ gia đình vào tình trạng sống dựa vào nước mua hoặc nước cấp từ bên ngoài.
Không chỉ khan hiếm, nước ngầm ở Kabul còn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khoảng 80% nguồn nước được xác định đã nhiễm bẩn, do nước thải sinh hoạt và công nghiệp ngấm trực tiếp xuống đất mà không qua xử lý. Gia đình Ahmad Yasin, một cư dân sống tại phía Bắc thành phố, dù đã hy sinh nhiều tháng thu nhập để đào giếng sâu 120m, vẫn không thể yên tâm sử dụng nước: “Chúng tôi không có máy lọc nên phải đun nước thật lâu trước khi uống, nhưng vẫn thường xuyên bị bệnh.”
“Nước bẩn khiến cả nhà tôi bị tiêu chảy và nôn mửa, đặc biệt là khi ăn ngoài hoặc dùng nước giếng đánh răng” – anh Sayed Hamed, công chức sống ở quận Taimani, chia sẻ.
Khủng hoảng nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến trẻ em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình lấy nước. Việc này đang kéo lùi quá trình học tập và làm gia tăng nguy cơ đói nghèo, đặc biệt với phụ nữ và trẻ nhỏ – nhóm đối tượng vốn đã dễ bị tổn thương.

“Giờ học đã biến thành giờ đi lấy nước. Khi trẻ em phải gánh vác nhu cầu thiết yếu này, các thế hệ tương lai sẽ bị mất đi cơ hội phát triển”, bà Marianna Von Zahn – Giám đốc chương trình Mercy Corps tại Afghanistan – nhận định.
Mercy Corps cho biết, Kabul cần ít nhất 264 triệu USD để khắc phục và cung cấp nước sạch, hệ thống vệ sinh cơ bản đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 8 triệu USD được phân bổ – chưa đủ để đối phó với tình trạng khẩn cấp.

Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, tình hình tại Kabul là hồi chuông cảnh báo cho nhiều đô thị lớn khác đang phát triển quá nhanh mà thiếu nền tảng hạ tầng bền vững. Nếu không có các giải pháp khẩn cấp từ chính quyền và sự hỗ trợ quốc tế, Kabul có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm cho những thành phố khác trên thế giới đang đối mặt với khủng hoảng nước.