Đi bộ là một hoạt động đơn giản nhưng nếu thực hiện đúng kỹ thuật, có thể mang lại lợi ích toàn diện cho sức khỏe thể chất và tinh thần, từ cải thiện tim mạch đến giảm căng thẳng và đau nhức cơ xương.

Đi bộ từ lâu đã được xem là hình thức vận động dễ tiếp cận, không tốn kém và phù hợp với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo chuyên gia Dana Santas – huấn luyện viên thể lực và tâm trí trong thể thao chuyên nghiệp, việc đi bộ đúng cách không đơn thuần chỉ là đặt một chân trước chân kia. Việc chú trọng tư thế, hơi thở và kỹ thuật chuyển động có thể biến mỗi bước đi thành một bài tập toàn thân hiệu quả.
Đi bộ đúng cách không chỉ là cử động chân tay
Một dáng đi khỏe mạnh là sự phối hợp hài hòa giữa nhiều nhóm cơ trên toàn bộ cơ thể. Khi tiếp đất bằng gót chân và chuyển dần đến mũi chân, bạn đang kích hoạt toàn bộ mặt sau của chân và cơ mông. Đồng thời, thân trên cần giữ thẳng, xương chậu và cột sống được ổn định. Chuyển động nhẹ của vai và hông, phối hợp với tay vung ngược chiều chân, giúp cân bằng động tác, giảm áp lực lên khớp.

Thói quen đi bộ sai tư thế – chẳng hạn bước chân ngắn, lê bước, hoặc đi kiểu “vịt” với bàn chân hướng ra ngoài – có thể làm mất cân bằng cơ thể, dẫn đến mỏi cơ, đau đầu gối, thắt lưng hoặc hông. Đặc biệt, những người thường mang túi lệch bên hoặc dắt thú cưng bằng một tay sẽ làm rối loạn chuyển động hai bên cơ thể, dẫn đến lệch tư thế và đau mãn tính nếu không điều chỉnh kịp thời.
Tư thế tốt bắt đầu từ những chi tiết nhỏ
Trước khi bắt đầu, bạn có thể đánh giá dáng đi hiện tại qua hai cách đơn giản: kiểm tra mặt đế giày để xác định điểm tiếp đất thường xuyên và nhờ người khác quay video khi bạn đi bộ tự nhiên. Quan sát độ mòn bất thường hoặc chuyển động không đối xứng sẽ giúp bạn nhận biết sai lệch tiềm ẩn.
Danh sách kiểm tra sau có thể hỗ trợ điều chỉnh kỹ thuật đi bộ:
- Giữ vai, hông và cột sống thẳng hàng.
- Tiếp đất nhẹ nhàng từ gót tới mũi chân, tránh bước dẹt hoặc quá mạnh.
- Hướng bàn chân thẳng về phía trước.
- Kích hoạt cơ mông bằng cách đẩy bước chân từ phía sau hông.
- Vung tay đều, khuỷu tay mềm, đổi bên khi cầm đồ.
- Hướng mắt về phía trước để giữ tư thế cân bằng.
- Duy trì nhận thức về cơ thể và môi trường xung quanh.
- Hít thở đều đặn bằng mũi theo nhịp bước.
Hơi thở – yếu tố then chốt thường bị bỏ quên
Rất ít người chú ý đến hơi thở khi đi bộ, trong khi đây lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và hiệu quả của vận động. Kiểu thở nông, hít bằng ngực thường dẫn đến căng cơ vai, cổ và làm suy yếu lõi cơ trung tâm.
Bạn có thể luyện thở mũi theo nhịp: hít vào trong 4 bước và thở ra trong 6 bước. Cách thở này giúp điều hòa thần kinh, duy trì nhịp đi bộ ổn định và hỗ trợ cột sống giữ thẳng trong suốt hành trình.
Khởi động – bước chuẩn bị không thể bỏ qua
Trước khi bắt đầu đi bộ, hãy dành vài phút để làm ấm các nhóm cơ chính bằng một số bài tập đơn giản:
- Xoay cổ chân mỗi bên 5 vòng, theo cả hai hướng.
- Thực hiện động tác lùi chân (reverse lunges) để kích hoạt cơ mông và chân.
- Tập động tác “cối xay gió” để giãn cơ thân trên, mở rộng vai và lưng dưới.
Những bài khởi động này không chỉ tăng phạm vi vận động mà còn giảm nguy cơ căng cơ hay chấn thương.
Đi bộ chủ đích – bài tập chữa lành và tái tạo
Không chỉ đơn giản là phương tiện di chuyển hay bài tập tim mạch, đi bộ còn là cơ hội để bạn tái kết nối với cơ thể. Bằng cách đi bộ có chủ đích, bạn đang rèn luyện tư thế, cải thiện sự linh hoạt, giảm áp lực tinh thần và nâng cao chất lượng sống mỗi ngày. Hãy xem mỗi bước chân là bước tiến đến một sức khỏe vững bền hơn.