Sàn giao dịch thịt heo online tại TP.HCM được kỳ vọng giúp ổn định giá thịt, minh bạch thị trường và cắt giảm khâu trung gian để người dân tiếp cận thực phẩm rẻ hơn.
Ký kết hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo tại TPHCM giữa MXV, Sở Công Thương TPHCM và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM
TP.HCM đang triển khai thí điểm mô hình sàn giao dịch thịt heo trực tuyến – một giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá cả, minh bạch thị trường và giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm thiết yếu với chi phí hợp lý hơn.
Ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua cho thấy tình trạng tiêu thụ thịt heo tại các chợ truyền thống trở nên ảm đạm. Nhiều tiểu thương phản ánh sức mua giảm mạnh do giá thịt tăng cao, khiến hàng tồn ứ đọng. “Trước đây dịp lễ tôi bán hàng trăm ký là chuyện bình thường, nay chỉ nhập chưa đến 30kg mà vẫn không tiêu thụ hết,” bà Nguyễn Hải Hà – tiểu thương tại chợ Hòa Bình (quận 5) – cho biết.
Khảo sát tại các chợ như Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh) hay An Dương Vương (quận 6) cho thấy giá thịt heo dao động từ 140.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, tại các siêu thị, lượng khách nhỉnh hơn nhờ vào chính sách bình ổn giá từ các thương hiệu lớn như Vissan, Agrifood…, với mức giá dao động từ 88.000 đến 180.000 đồng/kg tùy loại thịt.
Quầy thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (Q.5) – Ảnh: Thuận Thắng
Nguyên nhân khiến giá thịt tăng đột biến được lý giải là do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng trong năm 2024, khiến nguồn cung heo bị sụt giảm mạnh. Tại Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước – hàng ngàn trang trại buộc phải di dời vì không đạt chuẩn môi trường, dẫn đến tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Giá heo hơi hiện ở mức 74.000 đồng/kg – cao hơn 7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái – tuy có lợi cho người nuôi nhưng lại phản ánh một nghịch lý: nhiều trại không còn heo để bán.
Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất thí điểm triển khai sàn giao dịch thịt heo điện tử, tận dụng hạ tầng từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP – mô hình này giúp công khai hóa giá cả, giảm vai trò trung gian và rút ngắn chuỗi cung ứng. Trang trại, doanh nghiệp có thể trực tiếp bán hàng qua nền tảng, còn người tiêu dùng được tiếp cận thịt với giá thấp hơn.
TP.HCM hiện tiêu thụ trung bình khoảng 10.000 con heo mỗi ngày, quy mô thị trường gần 20.000 tỷ đồng/năm. Nếu sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, không chỉ thịt heo mà các mặt hàng thiết yếu khác như thịt gà, hải sản, gạo hay tín chỉ carbon cũng có thể được đưa lên sàn, phù hợp với chiến lược phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.
Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán MB, giá heo hơi trong giai đoạn 2025–2026 sẽ dao động quanh mức 65.000–70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với năm 2024. Ngành chăn nuôi dự kiến tái cấu trúc sâu rộng, theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp lớn, mô hình sản xuất khép kín, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu môi trường ngày càng nghiêm ngặt.
Luật Chăn nuôi sửa đổi, sẽ siết chặt hơn về mật độ nuôi và tiêu chuẩn môi trường, khiến chi phí tuân thủ tăng cao – đặc biệt với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hệ quả là nhóm hộ này có thể bị thu hẹp thị phần mạnh, từ mức 45% trong năm 2024 giảm còn 10–15% vào năm 2027.
Với sàn giao dịch thịt heo online, TP.HCM không chỉ hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường trước biến động cung – cầu mà còn tạo tiền đề chuyển đổi số trong quản lý chuỗi thực phẩm thiết yếu, mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp – thương mại điện tử tích hợp.