Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc thông qua luật thúc đẩy kinh tế tư nhân, khẳng định quyết tâm phục hồi tăng trưởng giữa áp lực thương mại và suy giảm niềm tin thị trường.
Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới
Trong bước ngoặt chính sách mang tính lịch sử, ngày 30/4, Trung Quốc chính thức thông qua đạo luật đầu tiên dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân. Động thái này được xem là nỗ lực rõ ràng nhằm vực dậy niềm tin doanh nghiệp và củng cố tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và tiêu dùng nội địa trì trệ.
Đạo luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân gồm 78 điều, được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) thông qua sau ba vòng thảo luận và rà soát. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5 tới, đặt ra một loạt quy định nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi kinh tế của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời thúc đẩy họ tham gia vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung Quốc đã thông qua đạo luật mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân. Ảnh: Xinhua
Một quan chức thuộc Ủy ban Lập pháp NPC tiết lộ trên Tân Hoa Xã rằng đạo luật mới sẽ thiết lập nền tảng thể chế cho một môi trường kinh doanh “ổn định, minh bạch và dễ dự đoán”. Đáng chú ý, luật không có hiệu lực hồi tố – yếu tố được đánh giá là nhằm trấn an cộng đồng doanh nghiệp trước những lo ngại về các rủi ro pháp lý tiềm ẩn từ những hành vi trong quá khứ.
Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân Trung Quốc, ông Li Zhaoqian, đánh giá hiệu quả thực tiễn của luật sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình thực thi. Ông cho biết doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như khó khăn tài chính, hạn chế tiếp cận thị trường và vấn đề nợ đọng. Do đó, ông nhấn mạnh vai trò của giám sát và phối hợp liên ngành trong quá trình áp dụng luật.
Một điểm đáng chú ý trong luật là điều khoản ngăn chặn hành vi “thực thi vì lợi nhuận” của các cơ quan công quyền. Theo nhà nghiên cứu Tang Dajie từ Viện Doanh nghiệp Trung Quốc, nhiều trường hợp trong quá khứ cho thấy chính quyền địa phương đã áp dụng biện pháp xử phạt phi lý hoặc tịch thu tài sản doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền, gây lo ngại nghiêm trọng trong giới đầu tư. Luật mới được kỳ vọng sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các hành vi này và yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật hành xử công minh, đúng chuẩn mực.
Việc ban hành luật diễn ra trong thời điểm then chốt đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi lĩnh vực xuất khẩu – từng là động lực tăng trưởng chủ đạo – đang bị tổn thương nặng nề do các hàng rào thuế quan từ Mỹ. Đồng thời, việc kích cầu nội địa và thu hút đầu tư tư nhân trở thành ưu tiên cấp thiết để phục hồi kinh tế bền vững.
Quá trình xây dựng đạo luật bắt đầu từ năm 2024, do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định kinh tế cao nhất của Trung Quốc – chủ trì. Dự thảo luật được công bố để lấy ý kiến công chúng từ tháng 10 cùng năm, và vòng rà soát thứ hai diễn ra vào tháng 2 đã làm dấy lên nhiều thảo luận sôi nổi về quyền tiếp cận thị trường và cơ chế thực thi.
Cũng trong tháng 2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hiếm hoi với các doanh nhân hàng đầu như Jack Ma (Alibaba) và Lei Jun (Xiaomi), khẳng định vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong ổn định kinh tế. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp tư nhân kể từ năm 2018 – động thái được đánh giá là thông điệp chính trị tích cực.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, khu vực tư nhân hiện đóng góp hơn 60% GDP, tạo ra 70% đổi mới công nghệ và chiếm tới 80% việc làm trong các đô thị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môi trường chính sách không ổn định và sự ưu ái dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước đã khiến đầu tư tư nhân sụt giảm đáng kể. Tín hiệu tích cực hiếm hoi xuất hiện trong quý I năm nay, khi đầu tư tư nhân ghi nhận mức tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giới quan sát nhận định, việc thông qua luật lần này không chỉ là cải cách pháp lý, mà còn mang ý nghĩa chiến lược nhằm định hình lại cấu trúc kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Sự chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân và tiêu dùng nội địa đang trở thành chiến lược sống còn cho giai đoạn phục hồi hậu khủng hoảng.