EU cảnh báo nguy cơ an ninh khi các tập đoàn nhà nước Trung Quốc âm thầm gia tăng ảnh hưởng tại hơn 30 cảng biển chiến lược ở châu Âu, buộc khối này siết kiểm soát đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc âm thầm gia tăng ảnh hưởng tại hơn 30 cảng biển chiến lược ở châu Âu
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng, việc các tập đoàn nhà nước Trung Quốc âm thầm gia tăng sở hữu tại hơn 30 cảng biển trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đang làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về an ninh chiến lược. Từ Brussels đến Warsaw, các lãnh đạo châu Âu đang thúc đẩy các biện pháp kiểm soát đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hàng hải – vốn là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng quốc phòng và kinh tế của khối.
Phát biểu ngày 8 tháng 5, Ủy viên Giao thông vận tải EU, ông Apostolos Tzitzikostas, đã kêu gọi các quốc gia thành viên “xem xét lại toàn diện vấn đề an ninh cảng biển”, đồng thời đề xuất tăng cường rà soát đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các cơ sở hạ tầng hàng hải.
“Những gì từng được xem là dòng vốn đầu tư bình thường, giờ đang trở thành rủi ro an ninh quốc gia”, ông Tzitzikostas cảnh báo.
Theo dữ liệu mới nhất, các tập đoàn Trung Quốc như COSCO, China Merchants và Hutchison hiện đang nắm giữ cổ phần tại hơn 30 bến cảng trên toàn EU, trong đó có nhiều cảng trọng yếu như Antwerp-Bruges (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan) và Piraeus (Hy Lạp). Mức độ kiểm soát tại một số cảng không chỉ dừng lại ở yếu tố thương mại, mà còn tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng hậu cần quốc phòng của EU và NATO.
Sách trắng quốc phòng gần đây do Ủy ban châu Âu công bố cũng thể hiện rõ mối quan ngại này. Một dự thảo nghị quyết do nhóm Xã hội & Dân chủ (S&D) tại Nghị viện châu Âu đưa ra đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài của EU để ngăn chặn khả năng các đối thủ chiến lược như Trung Quốc chi phối hạ tầng nhạy cảm.
Các công ty của Trung Quốc COSCO và China Merchants, hay Hutchison hiện nắm giữ cổ phần tại hơn 30 nhà ga trên khắp EU
Nhà nghiên cứu Simon Van Hoeymissen thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Bỉ nhận định rằng: “Sự hiện diện ngày càng sâu của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc tại hệ thống cảng biển EU là biểu hiện của chiến lược dài hạn được Bắc Kinh triển khai một cách có hệ thống và đầy tính toán”.
Cụ thể, cảng container Gdynia của Ba Lan là một ví dụ điển hình. Dù Hutchison đã nắm giữ cổ phần từ hơn 20 năm nay, chính quyền Warsaw hiện đã liệt cảng này vào danh sách “cơ sở hạ tầng trọng yếu”, yêu cầu mọi hoạt động phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhà nước, do vị trí sát cạnh căn cứ hải quân và trụ sở lực lượng đặc nhiệm hải quân của Ba Lan.
Thêm vào đó, thương vụ bán lại danh mục 23 tỷ USD các cảng biển do Hutchison nắm giữ – trong đó có 14 cảng tại châu Âu – cho một liên danh do Tập đoàn BlackRock và Công ty Vận tải Địa Trung Hải (MSC) dẫn đầu đã bị đình trệ từ tháng 3 năm 2025 sau khi Bắc Kinh can thiệp.
Bà Ana Miguel Pedro – Nghị sĩ Bồ Đào Nha, thành viên nhóm Nhân dân châu Âu (EPP) – cảnh báo: “Đây không đơn thuần là rủi ro kinh tế. Đó là một lỗ hổng chiến lược có thể bị khai thác bởi các tác nhân có chủ đích, gây ảnh hưởng đến toàn bộ EU”.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông tại Ba Lan cho biết, việc Trung Quốc không chính thức ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine chỉ càng làm tăng thêm nỗi lo của châu Âu. Trong bối cảnh ấy, các quốc gia thành viên EU đang nhanh chóng đánh giá lại toàn bộ chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại các vị trí chiến lược.
“Chúng ta không thể nhắm mắt chiến lược trong khi các đối thủ hành động với sự tỉnh táo và bài bản. Một khi lỗ hổng bị khai thác tại một cảng, toàn bộ hệ thống phòng thủ châu Âu có thể bị đe dọa” – bà Pedro nhấn mạnh.