Theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2025, các chung cư, nhà tập thể từ 5 tầng trở lên bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ để đảm bảo an toàn và tuân thủ pháp luật.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, các chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao từ 5 tầng trở lên hoặc tổng diện tích sàn từ 1.000m² sẽ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ, nhằm siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư và bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của người dân.
Nghị định nêu rõ, đây là một trong 44 loại hình cơ sở thuộc danh mục bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ, quy định chi tiết tại Phụ lục VII. Bên cạnh đó, danh sách còn bao gồm nhiều loại hình khác có nguy cơ cao về cháy, nổ như:
- Trường học (từ nhà trẻ đến đại học) nếu có từ 50 học sinh trở lên hoặc diện tích sàn từ 500 – 1.500m², tùy cấp.
- Cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám, nhà điều dưỡng…) có nhà cao từ 3 tầng hoặc diện tích từ 300m² trở lên.
- Cơ sở thể thao, nhà thi đấu, sân có khán đài từ 1.000 chỗ ngồi hoặc tổng diện tích từ 1.000m².
- Trụ sở cơ quan Nhà nước, văn phòng doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội có diện tích từ 500m² hoặc nhà cao từ 3 tầng.
- Khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm hội nghị, nhà ga hành khách, thủy cung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, hàng hóa dễ cháy…
- Nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất nếu có quy mô vượt ngưỡng diện tích theo quy định.
Nghị định cũng quy định rằng các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh sẽ không bắt buộc mua loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích các cơ sở còn lại chủ động tham gia bảo hiểm cháy nổ nhằm nâng cao mức độ an toàn.
Đặc biệt, đối với các cơ sở có tài sản thuộc bí mật nhà nước, tài sản đặc biệt hoặc chuyên dùng, doanh nghiệp bảo hiểm cần đảm bảo yêu cầu bảo mật, an ninh nghiêm ngặt trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Một điểm mới khác trong Nghị định 105/2025 là quy định cụ thể về mức trích nộp từ doanh nghiệp bảo hiểm: các doanh nghiệp triển khai loại hình bảo hiểm này phải trích nộp 2% tổng phí bảo hiểm thực tế thu được trong năm tài chính liền kề để phục vụ công tác quản lý, giám sát.
Việc thu, chi và quản lý nguồn phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ tuân theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.
Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại các khu nhà cao tầng, khiến dư luận không khỏi lo ngại về sự thiếu an toàn trong môi trường sống tại đô thị.
Infographic:
