Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định mức phạt mới đối với lỗi vi phạm tín hiệu đèn giao thông, có thể lên đến 20 triệu đồng.

Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt là các quy định liên quan đến hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Đây là nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm siết chặt trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức chấp hành luật của người dân.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật, tín hiệu đèn giao thông bao gồm ba màu: xanh, vàng và đỏ. Tín hiệu có thể kèm hoặc không kèm đồng hồ đếm ngược, nhưng mọi người tham gia giao thông đều phải nghiêm túc chấp hành theo đèn tín hiệu.
Cụ thể:
- Đèn xanh: Cho phép phương tiện được lưu thông, nhưng người điều khiển phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nếu có người đi bộ hoặc người sử dụng xe lăn đang băng qua đường.
- Đèn vàng: Là tín hiệu yêu cầu dừng lại trước vạch dừng. Trong trường hợp phương tiện đã vượt qua hoặc đang ở trên vạch khi đèn vàng bật sáng, có thể tiếp tục di chuyển. Nếu là đèn vàng nhấp nháy, phương tiện được phép đi nhưng phải quan sát cẩn trọng và nhường đường khi cần thiết.
- Đèn đỏ: Là tín hiệu cấm lưu thông, phương tiện bắt buộc phải dừng lại hoàn toàn trước vạch dừng.
Người dân chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh đèn tín hiệu.
Tăng mạnh mức phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Từ năm 2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt mới đối với hành vi vi phạm tín hiệu đèn giao thông, với mức tăng đáng kể:
- Đối với ô tô và phương tiện bốn bánh:
- Vượt đèn đỏ hoặc đèn vàng: phạt từ 18 đến 20 triệu đồng.
- Nếu gây tai nạn: phạt từ 20 đến 22 triệu đồng.
- Trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe; nếu gây tai nạn: trừ 10 điểm.
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
- Vượt đèn: phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
- Nếu gây tai nạn: phạt từ 10 đến 14 triệu đồng, bị trừ từ 4 đến 10 điểm.
- Xe máy chuyên dùng:
- Phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.
- Nếu gây tai nạn: phạt từ 14 đến 16 triệu đồng.
- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy và phương tiện thô sơ khác:
- Mức phạt từ 150.000 đến 250.000 đồng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an) cho biết:
“Việc dừng xe quá vạch khi gặp đèn đỏ hoặc đèn vàng được xem là hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, tương đương lỗi vượt đèn đỏ và sẽ bị xử phạt nghiêm”.
Việc tăng nặng mức xử phạt và quy định cụ thể hơn về hành vi vi phạm đèn tín hiệu không chỉ là biện pháp răn đe mà còn nhằm tăng cường kỷ cương trong giao thông đô thị. Người dân cần cập nhật đầy đủ các quy định mới để tránh vi phạm và đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng khi tham gia giao thông.