Xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia ngày 24/7 khiến ít nhất 12 người Thái thiệt mạng, hàng chục người bị thương, trong khi hai nước tiếp tục leo thang đối đầu quân sự và ngoại giao.

Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin, ít nhất 11 dân thường và 1 binh sĩ Thái Lan đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh căng thẳng với Campuchia sáng 24/7. Đây được xem là một trong những ngày đẫm máu nhất tại khu vực biên giới giữa hai quốc gia Đông Nam Á kể từ sau những vụ đụng độ lớn vào năm 2011.
Thông tin từ CNN cho biết một quả tên lửa do phía Campuchia phóng đã rơi trúng trạm xăng đông đúc tại tỉnh Sisaket, gây ra vụ nổ lớn khiến 6 dân thường thiệt mạng và ít nhất 10 người khác bị thương. Một vụ nổ khác tại cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Ban Nam Yen – cách biên giới Campuchia khoảng 20 km – cũng khiến ít nhất hai người thiệt mạng. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy mặt tiền cửa hàng bị phá hủy, khói đen bao phủ, nhiều người bị thương nằm bên ngoài.

Trong một diễn biến khác, Quân khu 2 Thái Lan cáo buộc phía Campuchia đã bắn hai quả tên lửa BM-21 nhắm vào Bệnh viện Phanom Dong Rak và một khu dân cư ở huyện Kap Choeng, tỉnh Surin. Ba thường dân bị thương sau vụ việc.
Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra, đã đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Campuchia nhằm vào thường dân không vũ trang. Bà khẳng định hành động này là “không thể chấp nhận được” và Thái Lan “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả để bảo vệ lãnh thổ và nhân dân”.
“Chúng tôi luôn ưu tiên giải pháp hòa bình, nhưng giờ Campuchia đã buộc Thái Lan phải hành động. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng phản ứng bằng biện pháp quân sự”, bà Paetongtarn tuyên bố.
Quân khu 2 Thái Lan sau đó khẳng định quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời tuyên bố các hành động quân sự của nước này sẽ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự và tránh phá hoại di sản văn hóa.
Trong khi đó, hãng hàng không Thai Airways cũng đã kích hoạt kế hoạch sơ tán nhân viên khỏi Campuchia. Giám đốc điều hành hãng, ông Chai Eamsiri, cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh và sẵn sàng đưa nhân sự về nước khi cần thiết. Khoảng 3.000 hành khách đang có kế hoạch bay đến Campuchia cũng được khuyến cáo theo dõi sát tình hình.

Truyền thông Campuchia, dẫn lời từ Khmer Times, tuyên bố lực lượng nước này đã bắn hạ một tiêm kích F-16 của Thái Lan trong đợt giao tranh sáng 24/7. Tuy nhiên, Không quân Hoàng gia Thái Lan đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này, khẳng định toàn bộ các máy bay đều trở về căn cứ an toàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ phá hủy một lữ đoàn Campuchia.
Bộ Quốc phòng Campuchia cũng xác nhận Thái Lan đã thả hai quả bom xuống khu vực Wat Kaew Sikkhakirivoraram tại tỉnh Preah Vihear – nơi đang do Campuchia kiểm soát. Trong khi đó, Thái Lan thông báo đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Campuchia, đồng thời giao tranh được ghi nhận tại sáu điểm nóng bao gồm Prasat Ta Muen Thom, Chong Bok và Chong Chom.
Ngoài đối đầu quân sự, căng thẳng ngoại giao cũng lên đến đỉnh điểm khi Thái Lan triệu hồi đại sứ tại Phnom Penh, đồng thời hạ cấp quan hệ với Campuchia sau vụ nổ mìn khiến một binh sĩ Thái mất chân. Đáp trả, Campuchia cũng triệu hồi toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Bangkok và tuyên bố hạ cấp quan hệ với Thái Lan xuống “mức thấp nhất”.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet cùng Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã đồng loạt lên tiếng trấn an người dân, kêu gọi bình tĩnh, tin tưởng vào chính phủ và tránh các hành vi tích trữ gây rối loạn thị trường. Ông Hun Manet cho biết đã gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp khẩn để ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền từ Thái Lan.
Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ quay lại bàn đàm phán trong ngắn hạn, trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực biên giới vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột vũ trang. Các chuyên gia kêu gọi ASEAN sớm vào cuộc làm trung gian, trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát và gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn khu vực.