Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hoa atiso có tính giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe. Nó cung cấp khoảng 9,3% carbohydrate, 1,5% chất xơ, rất ít chất béo và protein.
“Hoa atiso chứa hàm lượng calo thấp, chỉ khoảng 40 – 50 kcal nhưng lại giàu vitamin và khoáng chất như kali, photpho, canxi, magie. Hoa atiso đặc biệt phù hợp với người bị tiểu đường bởi loại hoa này rất ít đường. còn giúp giảm độc tố cho người mất cân bằng do uống nhiều bia rượu”, bác sĩ Vũ nói.
Vào những ngày nắng nóng, một ly nước atiso mát lạnh sẽ vừa giúp giải khát vừa tốt cho sức khỏe như cải thiện tiêu hóa. Bạn có thể dùng một bông atiso rửa sạch, để ráo nước rồi cắt bỏ cuống. Đun sôi 1,5 lít nước trong nồi lớn, cho bông atiso vào, hạ lửa nhỏ, đậy vung đun khoảng 2-3 tiếng cho bông atisô chín mềm, tiết hết chất ngọt.
Cho đường phèn và lá dứa vào nồi, đậy nắp đun thêm 10 phút thì tắt bếp. Bỏ atisô và lá dứa. Để nước nguội rồi đổ vào chai, đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
Hoa Atiso tuy không có tác dụng tái tạo tế bào gan (do không chứa chất cynaropicrin) nhưng lại có thể chống nhiễm độc gan, chống oxy hóa, lợi tiểu và lợi mật. Các thử nghiệm cho thấy Atisô có tác dụng kích thích gan mật, chống sỏi mật, lợi tiểu, thải độc gan, hạ mỡ máu, tăng chuyển hóa và lợi tiểu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tác dụng chống oxy hóa của atiso không bị mất đi khi nấu chín.
Các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, ít sữa, đái tháo đường, thấp khớp, suy nhược cơ thể, có thể dùng hoa atisô tươi hoặc khô (10-20 g nếu tươi, 5-10 g nếu khô).
“Tuy nhiên, không nên lạm dụng, nếu ăn uống thái quá sẽ xảy ra các biến chứng phụ do atisô gây ra như co thắt cơ trơn hệ tiêu hóa, chướng bụng, cơ thể mệt mỏi. Một ngày chỉ nên dùng 10-20 .g sắc với nước nếu dùng tươi, 5-10g nếu dùng khô.Với trà đóng gói chỉ nên uống 2-3 túi mỗi ngày”, lương y Vũ khuyến cáo.