Sau ba năm mở cửa tự do thị trường cần sa, Thái Lan đã áp đặt loạt quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế sử dụng cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe, chấm dứt giai đoạn bùng nổ không kiểm soát của ngành này.

Từ tuần này, khách hàng muốn mua cần sa ở Thái Lan bắt buộc phải có đơn thuốc của bác sĩ, chuyển dịch rõ ràng sang hướng coi cần sa chỉ dành cho mục đích điều trị. Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin tuyên bố chính phủ đang xem xét tái hình sự hóa cần sa, bước ngoặt lớn so với chính sách cởi mở từ năm 2022 khi Thái Lan trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phi hình sự hóa loại cây này.

Quy định mới yêu cầu các cửa hàng cần sa chỉ bán hàng cho khách có đơn thuốc, lưu hồ sơ giao dịch và chấp nhận kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, việc quảng cáo thương mại cần sa, bán qua mạng hay qua máy bán hàng tự động đều bị cấm. Hơn 18.000 cửa hàng cần sa khắp Thái Lan buộc phải tuân thủ, đối diện nguy cơ phạt tù tới một năm hoặc phạt tiền 20.000 baht nếu vi phạm.
Động thái này tác động mạnh đến các khu vực vốn dựa vào hình ảnh cần sa như Khao San (Bangkok) hay Pattaya – nơi từng bùng nổ các biển hiệu neon xanh, quán cà phê cần sa và hoạt động giải trí phục vụ du khách nước ngoài. Chính phủ khẳng định muốn quảng bá Thái Lan như điểm đến văn hóa và thiên nhiên, thay vì thiên đường du lịch cần sa.

Sau khi hợp pháp hóa, Thái Lan chứng kiến làn sóng mở cửa hàng, quán cà phê, spa cần sa, thậm chí tổ chức lễ hội cần sa thu hút nhân vật nổi tiếng như Mike Tyson. Năm 2022, Bộ Thương mại Thái Lan ước tính ngành công nghiệp này có thể đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng thị trường phát triển quá nhanh, vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo lo ngại về tình trạng nghiện ngập, trẻ em sử dụng cần sa và các vấn đề an ninh trật tự xã hội.

Trên đảo Phuket, chính quyền lên kế hoạch lập các khu vực hạn chế mua bán cần sa. Somsak nhấn mạnh an toàn công cộng phải đặt lên hàng đầu, đồng thời cho biết việc sử dụng không kiểm soát gây tác hại xã hội lớn hơn so với lợi ích kinh tế ban đầu.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu cần sa sang Anh gia tăng khiến hai nước phải lập lực lượng đặc nhiệm chung. Trong sáu tháng, hơn 800 vụ buôn lậu bị phát hiện, chín tấn cần sa bị thu giữ. Giới chức Thái Lan cũng tăng cường kiểm tra biên giới để ngăn chặn dòng chảy bất hợp pháp.
Nhiều người ủng hộ cần sa cho rằng quy định mới có thể đẩy ngành vào tay những đường dây ngầm, không triệt tiêu được thị trường chợ đen. Họ cũng lo ngại chi phí xin giấy phép và giấy chứng nhận y tế sẽ trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng, trong khi một bộ phận bác sĩ có thể lợi dụng bán giấy chứng nhận để thu lợi.
Chủ cửa hàng Ake Khattiyadamrong tại Chonburi cho rằng thiếu luật rõ ràng khiến doanh nghiệp hoang mang. Ông nhấn mạnh cần minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, nhà hoạt động Kitty Chopaka cảnh báo việc siết chặt quy định sẽ khiến nông dân nhỏ lẻ gặp khó khăn, đồng thời kêu gọi xây dựng luật công bằng, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng.
Sự bùng nổ sản xuất cần sa cũng dẫn đến dư thừa nguồn cung, giá giảm sâu khiến nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa. Chopaka cho rằng chính phủ cần quản lý nghiêm các quy định hiện hành thay vì đưa ra biện pháp ngắn hạn thiếu toàn diện.
Động thái mới diễn ra sau khi Đảng Bhumjaithai, lực lượng chủ trương hợp pháp hóa cần sa, rút khỏi liên minh cầm quyền. Bộ trưởng Somsak thừa nhận quá trình đưa dự luật ra quốc hội sẽ mất thời gian, nhưng khẳng định cần luật pháp rõ ràng để bảo vệ cộng đồng và môi trường kinh doanh minh bạch.
Giấc mơ biến Thái Lan thành trung tâm du lịch cần sa dường như chấm dứt sớm hơn dự tính, mở ra thời kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn với nhiều hoài nghi về tương lai ngành công nghiệp từng được kỳ vọng tỉ đô này.