Vụ ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt gần 120 tỉ đồng vì không lập hóa đơn đang gây lo ngại. Chuyên gia đề nghị cần xử lý hài hòa để không “bóp nghẹt” doanh nghiệp.
Sự việc ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt gần 120 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận – Ảnh: T.L
Vụ việc ban quản trị (BQT) chung cư Conic Đông Nam Á bị xử phạt gần 120 tỉ đồng do không xuất hóa đơn giá trị gia tăng khi thu phí quản lý vận hành đã gây chấn động cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù các đơn vị tương tự khẳng định chỉ thực hiện “thu hộ, chi hộ” và được cơ quan thuế xác nhận không cần lập hóa đơn VAT, nhưng thực tế vẫn có sự thiếu nhất quán trong hướng dẫn và áp dụng pháp luật, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về tài chính.
Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp quản lý, vận hành chung cư, việc không xuất hóa đơn được thực hiện dựa trên các quy định hiện hành và các văn bản trả lời chính thức từ cơ quan thuế địa phương. Cụ thể, Chi cục Thuế khu vực 2 tại TP. HCM từng xác nhận các khoản phí quản lý vận hành do cư dân đóng không được xem là hoạt động kinh doanh dịch vụ, nên không thuộc diện phải xuất hóa đơn. Thay vào đó, đơn vị thu chỉ cần lập phiếu thu theo mẫu quy định tại Thông tư 200 và không kê khai thuế VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu này.
Cư dân phải đóng phí quản lý vận hành, phí gửi xe… khi sinh sống trong các chung cư – Ảnh: T.T.D.
Tuy nhiên, trong trường hợp của BQT chung cư Conic Đông Nam Á, cơ quan thuế đã xác định hành vi “tự thu, tự chi” khi cung cấp các dịch vụ trực tiếp thay vì thông qua đơn vị đủ điều kiện vận hành chung cư, dẫn đến việc xác lập hành vi cung cấp dịch vụ mà không lập hóa đơn GTGT. Hậu quả là ngoài khoản truy thu thuế 453 triệu đồng, BQT còn bị xử phạt lên tới gần 120 tỉ đồng vì không lập 7.260 hóa đơn, theo đúng quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: “Theo tinh thần của Luật Quản lý thuế năm 2019, nếu hành vi sử dụng hóa đơn không đúng chỉ dẫn đến thiếu thuế, thì việc xử phạt nên tập trung vào phần thuế thiếu, thay vì cộng thêm mức phạt rất lớn về hóa đơn. Việc này cần được làm rõ, tránh hiểu sai tinh thần luật.”
Một số chuyên gia về thuế và doanh nghiệp quản lý chung cư cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các chính sách thuế cần hài hòa giữa yêu cầu chấp hành pháp luật và việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể, nếu hành vi vi phạm không do lỗi cố ý và không làm thất thu thuế, thì cơ quan chức năng có thể cân nhắc hình thức xử lý nhắc nhở hoặc giảm nhẹ mức phạt để không gây thiệt hại không đáng có, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Vị giám đốc một đại lý thuế tại TP. HCM nhận định: “Vấn đề cốt lõi nằm ở việc các quy định hiện hành chưa thật sự rõ ràng, thống nhất. Trong khi doanh nghiệp thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương thì lại bị xử lý nặng về sau, dẫn đến rủi ro pháp lý rất cao.”
“Không thể để tình trạng luật một đằng, thực thi một nẻo khiến doanh nghiệp rơi vào bẫy pháp lý. Mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030 sẽ rất khó nếu tình trạng này không được điều chỉnh,” chuyên gia thuế cảnh báo.
Vụ việc còn mở ra vấn đề lớn hơn liên quan đến việc phân biệt rạch ròi giữa “thu hộ, chi hộ” và “tự thu, tự chi”. Theo quy định hiện hành, ban quản trị không có chức năng kinh doanh nên chỉ được thu tiền cư dân để chi lại cho đơn vị quản lý vận hành – tức thực hiện “thu hộ”. Nếu BQT chuyển sang “tự vận hành”, thì bắt buộc phải có đủ điều kiện pháp lý như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, kèm theo nghĩa vụ về hóa đơn, thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các quy định còn nhiều điểm chưa rõ ràng và thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, việc xử phạt hành chính cần được thực hiện một cách thận trọng, có xét đến hoàn cảnh thực tế của từng vụ việc.