Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần chấm dứt độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước trong các ngành kém hiệu quả như điện, than để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư công.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, diễn ra ngày 13/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực trọng yếu nhưng thua lỗ kéo dài, như ngành điện và ngành than.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, dù doanh nghiệp Nhà nước đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều ngành, song thực tế lại cho thấy không ít lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Ông nhấn mạnh: “Vốn của doanh nghiệp Nhà nước là tiền của người dân, nên việc gì tư nhân làm tốt thì cần tạo điều kiện cho họ tham gia”.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau). Ảnh: Như Ý
Theo ông Thanh, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 47% GDP cả nước và có vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ an sinh xã hội – đặc biệt là trong các đợt thiên tai, lũ lụt. Trong khi đó, một số ngành then chốt vẫn bị duy trì độc quyền bởi doanh nghiệp Nhà nước dù hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí và cản trở sự phát triển của các thành phần kinh tế khác.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề cập đến vấn đề thiếu minh bạch thông tin ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước. Mặc dù luật hiện hành đã có quy định về công khai thông tin, song thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trễ hoặc không thực hiện đúng quy định, làm giảm hiệu quả giám sát xã hội. Bà đề xuất cần có biện pháp chế tài cụ thể, chẳng hạn như công khai tên doanh nghiệp vi phạm hoặc áp dụng hình thức xử phạt hành chính để nâng cao tính tuân thủ.
Về mặt đầu tư, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP. HCM) phản ánh thực trạng một số dự án trọng điểm do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thường xuyên gặp phải các vấn đề như chậm tiến độ, đội vốn hoặc phát sinh tiêu cực. Ông cho biết có hiện tượng lách luật thông qua việc chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua bán cổ phần, trong khi nhiều nhà đầu tư lại không đủ năng lực thực hiện dự án.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đức kiến nghị cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về việc chuyển nhượng dự án đầu tư công. Việc kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư tiếp nhận dự án là yếu tố then chốt nhằm ngăn ngừa các trường hợp chậm giải ngân vốn, không hoàn thành công trình trọng điểm đúng kế hoạch. “Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết và cơ quan soạn thảo luật cần rà soát kỹ lưỡng để bịt các kẽ hở pháp lý hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Những ý kiến được đưa ra trong phiên thảo luận cho thấy áp lực cải cách doanh nghiệp Nhà nước đang ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cần sự cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc mở rộng không gian cho khu vực tư nhân, đồng thời tăng cường giám sát doanh nghiệp Nhà nước được xem là hai mũi nhọn chính sách cần được cụ thể hóa trong khung pháp lý mới.