Cử tri kiến nghị chính sách hỗ trợ công chức chuyển nơi làm việc do sáp nhập hành chính, tránh nguy cơ nghỉ việc hàng loạt vì khó khăn di chuyển.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong
Sáng 5/5, tại kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Trong đó, một nội dung thu hút nhiều quan tâm là đề xuất có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi nơi ở hoặc di chuyển xa để đến làm việc tại trung tâm hành chính mới sau quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Ông Chiến cho biết, đông đảo người dân, cán bộ, công chức đánh giá cao chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, và bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách sử dụng hiệu quả đất đai, trụ sở dôi dư sau sáp nhập – ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, ông cũng dẫn lại những “tâm tư” trong xã hội về việc đặt tên đơn vị hành chính mới, lựa chọn địa điểm đặt trung tâm hành chính, cũng như nỗi lo lắng về việc phải di chuyển xa nơi cư trú để làm việc.
Nhiều cán bộ, công chức lo ngại rằng nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời và cụ thể, đặc biệt là hỗ trợ về chỗ ở, đi lại hoặc chi phí sinh hoạt khi công tác tại địa phương mới, thì nguy cơ mất đi đội ngũ nhân lực chất lượng do họ lựa chọn nghỉ việc là rất lớn. Đặc biệt, những người có gia đình, con nhỏ hoặc người thân phụ thuộc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ ổn định sau sáp nhập
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chính thức đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng thể chế hóa chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức buộc phải thay đổi nơi ở hoặc làm việc xa sau sắp xếp hành chính. Đề xuất cũng nhấn mạnh đến việc cần sớm có quy định rõ ràng về sử dụng lại các cơ sở dôi dư, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính quyền địa phương nơi được chọn làm trung tâm hành chính của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động, nhằm đảm bảo họ có điều kiện ổn định sớm trong môi trường công tác mới. Một số địa phương như Cà Mau, Đồng Nai, Hải Phòng đã chủ động xây dựng phương án bố trí nhà ở, phương tiện di chuyển cho cán bộ bị ảnh hưởng bởi sáp nhập.
Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 23/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề xuất đưa nội dung giám sát việc sắp xếp bộ máy hành chính thành chuyên đề giám sát trọng tâm trong năm 2026. Ông nhấn mạnh việc đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho công chức là yếu tố then chốt để duy trì hiệu quả bộ máy và tránh tình trạng hụt nhân lực sau sáp nhập.
Những mối quan tâm khác của cử tri
Bên cạnh vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri trên cả nước còn bày tỏ lo ngại sâu sắc trước các hiện tượng tiêu cực như buôn bán hàng giả, thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng và những hành vi lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi. Đặc biệt, tình trạng bạo lực trẻ em, cháy nổ xảy ra thường xuyên đang khiến người dân bất an.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm minh và công khai các vụ việc, đảm bảo tính răn đe và để nhân dân được giám sát.
Ngoài ra, cử tri cũng mong mỏi chính sách miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh sớm được cụ thể hóa, nhất là trong bối cảnh khó khăn hậu đại dịch và biến động kinh tế ảnh hưởng đến các gia đình thu nhập thấp.