Cắt giảm hoàn toàn cơm và tinh bột để giảm cân có thể gây mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Nhiều người đang lựa chọn cách cắt bỏ hoàn toàn cơm khỏi chế độ ăn với mong muốn giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, việc kiêng cơm không đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. Carbs (chất bột đường) là nguồn năng lượng chính cho cơ thể, đặc biệt là não bộ. Việc loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm này có thể gây nên hàng loạt vấn đề không mong muốn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chuyên gia Pooja Udeshi, cố vấn dinh dưỡng thể thao tại Bệnh viện Kokilaben Dhirubhai Ambani (Ấn Độ), cảnh báo rằng việc cắt carbs để giảm cân tuy có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực nếu kéo dài.

6 hậu quả nghiêm trọng khi kiêng cơm giảm cân
1. Mệt mỏi và suy giảm năng lượng
Carbs là nguồn cung cấp glucose chủ yếu – nguyên liệu đầu vào cho quá trình tạo năng lượng của tế bào. Khi thiếu hụt, cơ thể buộc phải chuyển sang sử dụng ketone (từ chất béo) để duy trì hoạt động. Quá trình này không phải ai cũng thích nghi được, dẫn đến các biểu hiện như mệt mỏi, uể oải, cáu gắt và giảm khả năng tập trung.
2. Rối loạn hệ tiêu hóa
Các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu, rau và trái cây đều là nguồn carbs phức hợp giàu chất xơ. Khi loại bỏ nhóm thực phẩm này, hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, gây táo bón và gia tăng nguy cơ viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
3. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Cắt hoàn toàn carbs đồng nghĩa với việc cơ thể thiếu hụt hàng loạt dưỡng chất thiết yếu như vitamin nhóm B, sắt, magie và chất chống oxy hóa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch mà còn gây rối loạn nội tiết tố, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ và người cao tuổi.
4. Tăng cân trở lại
Chế độ ăn low-carb khiến cân nặng sụt giảm chủ yếu do mất nước và glycogen. Khi cơ thể không còn duy trì được nhịp chuyển hóa này, cảm giác thèm ăn dễ xuất hiện, dẫn đến ăn bù và làm chậm trao đổi chất. Hệ quả là cân nặng không những tăng trở lại mà còn khó kiểm soát hơn trước.
5. Gây rối loạn tâm trạng và tim mạch
Việc thiếu carbs lành mạnh như trái cây, ngũ cốc nguyên cám dễ khiến người ăn kiêng tăng tiêu thụ chất béo bão hòa. Điều này làm gia tăng nguy cơ mỡ máu cao và ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Đồng thời, giảm hấp thu carbs cũng khiến mức serotonin – hormone điều hòa tâm trạng – bị suy giảm, dẫn đến trạng thái dễ cáu gắt, lo âu, thậm chí trầm cảm.
6. Tăng nguy cơ ung thư
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrition and Cancer với gần 44.000 người tham gia cho thấy chế độ ăn ketogenic – một dạng ăn kiêng rất ít tinh bột – có thể làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Điều này cho thấy việc ăn kiêng cực đoan nếu không được cá nhân hóa và giới hạn thời gian cụ thể có thể phản tác dụng.
Ăn carbs đúng cách mới là giải pháp bền vững
Các chuyên gia đồng thuận rằng mục tiêu nên là lựa chọn tinh bột chất lượng thay vì loại bỏ hoàn toàn. Gạo lứt, yến mạch, khoai lang, các loại đậu… là những nguồn carbs lành mạnh có thể giúp duy trì năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa và không gây tăng cân nếu sử dụng hợp lý.
“Dinh dưỡng hiệu quả không nằm ở sự cắt bỏ cực đoan, mà ở khả năng duy trì lâu dài và cân bằng,” chuyên gia Pooja nhấn mạnh.
Thay vì lo sợ béo mà từ bỏ cơm – một phần thiết yếu trong chế độ ăn – người ăn kiêng nên học cách điều chỉnh khẩu phần, kiểm soát lượng đường huyết và ưu tiên các lựa chọn tinh bột phức hợp có lợi cho sức khỏe. Cơ thể cần dinh dưỡng toàn diện, không phải sự cắt giảm tùy tiện.