Trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế nghệ sĩ thu âm sách nói với tốc độ sản xuất nhanh và chi phí rẻ, đẩy hàng nghìn người làm nghề vào nguy cơ mất việc.

Sự bùng nổ của thị trường sách nói toàn cầu đã thu hút nhiều “ông lớn” công nghệ như Amazon, Apple, Spotify đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giọng đọc nhân tạo (AI voice), đẩy ngành thu âm sách nói truyền thống đến bờ vực khủng hoảng. Những người từng xem việc đọc sách là một nghề nghiệp trọn đời, nay buộc phải đối mặt với thực tế bị thay thế bởi giọng đọc máy móc, vô cảm và được lập trình hàng loạt.

Annabelle Tudor – nghệ sĩ thu âm sách nói lâu năm tại Melbourne, Úc – bày tỏ mối lo không chỉ về việc mất việc, mà còn về khả năng biến sách nói thành sản phẩm khô khan, thiếu chiều sâu cảm xúc:
“AI không thể tạo ra tiếng rên đau khổ hay sự xúc động như con người. Kể chuyện là bản năng nguyên thủy, không thể lập trình bằng mã máy tính”, cô chia sẻ với The Guardian.
AI càn quét ngành thu âm
Theo The Guardian, nền tảng Audible (thuộc sở hữu Amazon) đã triển khai quy trình sản xuất sách nói hoàn toàn bằng AI, cho phép người dùng lựa chọn hơn 100 giọng đọc nhân tạo bằng nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau. Từ năm 2023, Audible còn cho phép các tác giả tự động chuyển đổi ebook thành audiobook thông qua công nghệ giọng đọc ảo trên Kindle. Điều này đã khiến nhiều nghệ sĩ thu âm lâu năm như Jade Asha (Anh) lo ngại:
“Công việc này từng là nguồn sống của tôi. Sau đại dịch, thị trường đã khó khăn, giờ thì AI có thể cướp hẳn ‘cần câu cơm’ của chúng tôi”, cô chia sẻ với The Mirror.
Không chỉ Audible, Apple và Spotify cũng đang đầu tư mạnh vào sách nói AI, nhắm đến tốc độ sản xuất nhanh, chi phí thấp và khả năng dịch ngôn ngữ tự động. Một cuốn sách nói trước đây cần hàng tuần để thu âm, chỉnh sửa và biên tập, giờ có thể hoàn thành trong vài giờ bằng AI – điều khiến những nghệ sĩ lồng tiếng kỳ cựu không khỏi thất vọng.
Mất đi sợi dây cảm xúc
Nghệ sĩ Dorje Swallow – người từng thu âm hơn 70 tiểu thuyết, cho rằng giọng AI chỉ bắt chước về âm thanh, chứ không truyền tải được ý nghĩa thực sự của việc kể chuyện. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng Úc Simon Kennedy nhấn mạnh rằng:
“Một giờ sách nói yêu cầu nghệ sĩ phải dành ra gấp đôi, thậm chí gấp ba thời gian để đọc, thấu hiểu nhân vật và tạo ra cảm xúc phù hợp. Thay bằng AI là ưu tiên số lượng hơn chất lượng, là làm rẻ hóa trải nghiệm nghe sách nói”.
Theo báo cáo của hiệp hội, khoảng 5.000 việc làm trong ngành lồng tiếng tại Úc đang bị đe dọa bởi AI. Kennedy gọi việc Audible triển khai giọng đọc nhân tạo là “một bước đi sai lầm”, khi khiến người nghe mất đi mối liên kết cá nhân đặc biệt với giọng kể truyền cảm từ con người.
AI nhân bản giọng đọc: Cơ hội hay cái bẫy?
Dù Audible tuyên bố AI chỉ “bổ sung chứ không thay thế”, hãng vẫn đang thử nghiệm công nghệ nhân bản giọng đọc. Điều này cho phép nghệ sĩ thu âm tạo ra bản sao kỹ thuật số giọng mình để phục vụ cho các dự án tự động – một lựa chọn mà Simon Kennedy cảnh báo cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Khi bán bản sao giọng nói của mình, bạn đang biến tài sản cá nhân trở thành một phần của hệ thống robot vô cảm, và không có gì đảm bảo bạn sẽ được trả công xứng đáng”, ông nhận định.
Trong bối cảnh AI liên tục cải tiến và “nuốt trọn” thị trường sách nói toàn cầu, các nghệ sĩ lồng tiếng đang phải tìm cách khẳng định giá trị độc bản của giọng người – thứ mà máy móc vẫn chưa thể bắt chước trọn vẹn. Tuy nhiên, liệu điều đó có đủ sức để giữ lại cảm xúc cho ngành sách nói trong kỷ nguyên công nghệ? Câu trả lời vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
