Bệnh não mô cầu khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu, cổ cứng và ban xuất huyết, cần nhận biết sớm để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Nam bệnh nhân viêm não mô cầu được cấp cứu, điều trị kịp thời. Ảnh: Đặng Thanh
Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một loại nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, cứng cổ và có thể kèm theo ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh còn rơi vào trạng thái lơ mơ, hôn mê hoặc sốc kèm mảng xuất huyết trên da.
Dữ liệu từ Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam đã có 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành – tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024. Các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng, không tập trung thành ổ dịch lớn nhưng vẫn cho thấy xu hướng đáng lo ngại. Một số bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng đã tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, diễn biến bệnh rất nhanh.
Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), não mô cầu có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp đến viêm nội tâm mạc. Đặc biệt, nhiều người nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt hoặc viêm họng, hoặc thậm chí không có biểu hiện gì, khiến họ trở thành người lành mang trùng – nguồn lây tiềm tàng trong cộng đồng.
“Trong điều kiện dịch bùng phát, số người lành mang não mô cầu có thể lên đến trên 50%. Đây chính là yếu tố then chốt thúc đẩy sự lây lan âm thầm của bệnh,” đại diện Cục Phòng bệnh cho biết.
Chẩn đoán chính xác bệnh dựa vào xét nghiệm phân lập vi khuẩn từ máu, dịch não tủy hoặc mẫu lấy từ ban xuất huyết hay mụn nước. Việc phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự như viêm màng não do Haemophilus influenzae b hoặc liên cầu phế cầu là điều bắt buộc nhằm đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Bệnh viêm não mô cầu có thể lây lan qua đường hô hấp
Bệnh não mô cầu chủ yếu lây qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là ở các môi trường tập trung đông người như ký túc xá, doanh trại quân đội, nhà máy hoặc trường học. Thời kỳ lây lan kéo dài cho đến khi vi khuẩn bị loại trừ khỏi mũi họng – thường sau 24 giờ điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất là thanh thiếu niên và người trẻ. Không chỉ là đối tượng dễ nhiễm bệnh, nhóm này còn có tỷ lệ mang vi khuẩn ở mũi họng cao nhất mà không xuất hiện triệu chứng, tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng âm thầm.
Để phòng ngừa, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao đột ngột, cổ cứng, mệt lả kèm phát ban xuất huyết, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm. Đồng thời, các trường hợp nghi mắc hoặc đã xác định cần được cách ly tại phòng riêng, đeo khẩu trang liên tục và hạn chế tiếp xúc ít nhất 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh.