Các nhà khoa học đã phục hồi thành công loại sợi quý hiếm “lụa biển” từng dành riêng cho hoàng đế La Mã, mở ra cơ hội mới cho ngành thời trang bền vững.

Loại sợi quý hiếm từng được gọi là “sợi vàng của biển”, vốn chỉ dành cho các hoàng đế La Mã, vừa được các nhà nghiên cứu phục hồi thành công sau hơn 2.000 năm thất truyền. Đây là kết quả đột phá của một nhóm nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc.
Loại lụa biển này được sản xuất từ các sợi “byssus” do loài trai bút lớn Pinna nobilis ở vùng Địa Trung Hải tiết ra, giúp chúng neo mình vào đáy biển. Nhờ đặc tính nhẹ, ấm, mềm mượt và đặc biệt là ánh vàng tự nhiên không bao giờ phai, lụa biển từng được xem là vật liệu quý giá nhất thời cổ đại.
Tuy nhiên, hiện trạng suy thoái môi trường, khai thác quá mức và ô nhiễm đã đẩy loài trai Pinna nobilis vào nguy cơ tuyệt chủng, khiến nghề dệt sợi này trở nên hiếm hoi, gần như biến mất hoàn toàn. Nhận thấy điều này, nhóm nghiên cứu của giáo sư Dong Soo Hwang đã chuyển sang nghiên cứu một loài trai khác có tên Atrina pectinata, vốn được nuôi thương mại ngoài khơi Hàn Quốc để làm thực phẩm.

Qua phân tích, các nhà khoa học phát hiện rằng sợi tơ do loài A. pectinata tiết ra gần giống với loài P. nobilis về cấu trúc hóa học và vật lý. Điều quan trọng là họ đã xử lý thành công sợi này để tái tạo loại lụa biển vàng quý hiếm.
Kết quả nghiên cứu cũng hé lộ bí mật về màu vàng đặc trưng bền lâu của loại lụa này. Thay vì dùng thuốc nhuộm, màu vàng của sợi đến từ “màu sắc cấu trúc”, do ánh sáng phản chiếu trên cấu trúc nano của sợi. Đây là một hiện tượng tương tự như ánh sáng óng ánh trên cánh bướm hay bong bóng xà phòng.
Giáo sư Hwang giải thích thêm rằng màu sắc đặc biệt của lụa biển là nhờ protein photonin được sắp xếp một cách vô cùng trật tự, giúp giữ màu sắc lâu dài mà không cần bất kỳ hóa chất hay kim loại nào. Khám phá này không chỉ giúp khôi phục một phần lịch sử bị thất truyền mà còn mở ra hướng phát triển bền vững mới cho ngành thời trang và các vật liệu tiên tiến khác.