Ốc vòi voi – mặt hàng xuất khẩu lợi nhuận cao của Mỹ – đang bị ảnh hưởng nặng nề do thuế quan từ Trung Quốc, trong khi Canada hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất.
Khách hàng xem ốc vòi voi nhập từ Canada tại một nhà hàng ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc vào 25/4. Ảnh: AP
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trở lại, ngành ốc vòi voi Mỹ – một mặt hàng hải sản có giá trị cao – đang trở thành một trong những “nạn nhân” rõ rệt nhất, khi toàn bộ hoạt động thu hoạch và xuất khẩu bị đình trệ, khiến hàng loạt thợ lặn mất việc và chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng.
Tại vùng biển Salish, bang Washington – nơi 90% sản lượng ốc vòi voi được xuất khẩu sang Trung Quốc – những thợ lặn như Joshua George, thành viên bộ tộc Suquamish, đang đối mặt với tình cảnh thất nghiệp chưa từng có. “Lần đầu tiên trong 24 năm, tôi không biết liệu mình còn quay lại nghề này được nữa không,” George chia sẻ đầy lo lắng.
Ngành khai thác ốc vòi voi ở bang Washington đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ, với phần lớn sản lượng tiêu thụ tại Trung Quốc – nơi ốc vòi voi được coi là đặc sản cao cấp, thường dùng trong các dịp lễ lớn hoặc tiệc tùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Donald Trump khởi động từ nhiệm kỳ đầu tiên và nối lại sau khi ông tái đắc cử đang khiến thị trường sụp đổ.
Hàng hóa Mỹ hiện chịu mức thuế nhập khẩu lên tới 125% khi vào Trung Quốc, so với mức thuế chỉ 25% áp dụng cho Canada – đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành. Hậu quả là ốc vòi voi Mỹ không còn tính cạnh tranh về giá và bị khách hàng Trung Quốc quay lưng.
Jim Boure, Giám đốc điều hành Suquamish Seafoods, cho biết: “Cả thị trường sụp đổ chỉ sau một đêm. Khách hàng đồng loạt gọi hủy đơn.” Trong khi đó, các trang trại nuôi trồng ốc tại Washington như của ông Ian Child cũng đang chịu tổn thất nặng vì không thể thu hoạch hoặc tiếp tục chu kỳ sản xuất.
Thực tế cho thấy, chỉ riêng năm 2023, bang Washington và các bộ tộc tại Puget Sound đã thu hoạch hơn 1.500 tấn ốc vòi voi hoang dã, mang lại doanh thu trên 22 triệu USD – nguồn thu quan trọng dành cho các dự án phục hồi sinh thái thủy sinh. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 4 năm nay, sản lượng chỉ đạt một nửa so với kỳ vọng, khiến doanh thu sụt giảm đáng kể.
“Nếu sản lượng chỉ đạt 50%, thì nguồn ngân sách cho các chương trình sinh thái cũng giảm một nửa. Điều này tác động dây chuyền đến cả hệ thống,” – Blain Reeves, đại diện Cơ quan Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên bang Washington nhận định.
Trong khi Mỹ loay hoay với khủng hoảng ngành, Canada lại tận dụng tốt cơ hội. Nhờ chỉ chịu thuế 25%, các doanh nghiệp Canada đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc. Giá ốc vòi voi xuất khẩu từ Canada đã tăng từ 12 USD lên 17 USD mỗi pound sau khi thuế Mỹ tăng, theo James Austin – Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Dưới nước Canada. Ông khẳng định: “Chúng tôi hiện không còn đối thủ.”
Khi mới xuất hiện và gây sốt trên thị trường, ốc vòi voi Canada có giá từ 2-2,5 triệu đồng/kg
Dương Bân, đại diện công ty xuất nhập khẩu thủy sản tại Quảng Tây, Trung Quốc, cũng xác nhận đã dừng nhập ốc vòi voi từ Mỹ: “Chúng tôi không muốn bận tâm đến vấn đề thuế. Canada hoặc các nước khác cung cấp giá tốt hơn và ổn định hơn.”
Giới chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình không sớm được tháo gỡ, Mỹ có thể mất hoàn toàn vị thế trong thị trường ốc vòi voi cao cấp – ngành từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều cộng đồng ven biển. Tác động không chỉ dừng lại ở doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn lao động, thợ lặn và người nuôi trồng ven biển vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.