Sau hàng loạt thất bại nghiêm trọng trên nhiều mặt trận, lực lượng IRGC của Iran đang đối mặt với một bước ngoặt sống còn, khi sức mạnh và vai trò của họ bị thách thức cả trong và ngoài nước.

Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lực lượng từng được xem là trụ cột vững chắc bảo vệ chế độ Tehran, đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn sau những đòn giáng nặng nề từ các cuộc không kích của Israel và Mỹ. Theo các chuyên gia, những tổn thất này không chỉ làm suy yếu năng lực quân sự của IRGC mà còn đẩy họ vào thế bị cô lập và phải tái định hình chiến lược tồn tại.

IRGC được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 với nhiệm vụ bảo vệ các giá trị cách mạng và duy trì sự sống còn của chế độ thần quyền. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Afshon Ostovar, tác giả của cuốn “Vanguard of the Imam”, những mục tiêu chiến lược mà IRGC theo đuổi trong 25 năm qua, như mở rộng ảnh hưởng khu vực và xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân, đã thất bại nghiêm trọng.
“Chiến lược mở rộng thông qua lực lượng ủy nhiệm ở Gaza, Lebanon và Syria giờ đây đã gần như sụp đổ. Những cơ sở then chốt như cơ sở hạt nhân và hạ tầng tên lửa đã bị phá hủy. Họ đang đối mặt với một thực tế hoàn toàn mới,” Ostovar nhấn mạnh.
Không chỉ mất đà trên chiến trường khu vực, IRGC cũng gặp khó khăn trong việc duy trì tính chính danh trong nước. Khi ý thức hệ chống Mỹ và Israel không còn sức hấp dẫn như trước, đặc biệt trong giới trẻ, IRGC ngày càng bị nhìn nhận như một công cụ đàn áp thay vì lực lượng bảo vệ cách mạng.

Behnam Ben Taleblu, Giám đốc chương trình Iran tại Quỹ Phòng vệ Dân chủ (FDD), cho rằng IRGC tồn tại nhờ mối liên kết chặt chẽ với giới giáo sĩ cầm quyền, tạo nên một tầng lớp tinh hoa khép kín kiểm soát chính trị, kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, liên minh này đang phải đối mặt với sức ép từ cả bên trong lẫn ngoài, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt quốc tế và chiến dịch tấn công mạng khiến hoạt động kinh tế ngầm của họ gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, việc mất đi các mắt xích chiến lược trong khu vực như Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza hay sự kiểm soát ở Syria đã làm suy yếu nghiêm trọng ảnh hưởng của IRGC. Các nguồn lực quân sự bị tổn thất nghiêm trọng buộc họ phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc để tái thiết năng lực phòng không và chiến đấu.
“Họ không còn khả năng bành trướng như trước mà sẽ phải tập trung hơn vào việc duy trì sự ổn định trong nước, thậm chí tăng cường đàn áp để kiểm soát bất đồng,” Ostovar cảnh báo.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia nhận định Iran dưới sự chi phối của IRGC có thể trở nên giống Bắc Triều Tiên – biệt lập, chuyên quyền và phụ thuộc vào quan hệ với một số cường quốc như Nga hay Trung Quốc để tồn tại. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng tồn tại dai dẳng của chế độ dù đã mất đi phần lớn tính chính danh và ủng hộ quốc tế.
Một số ý kiến cải cách trong nội bộ Iran đang kêu gọi thay đổi chiến lược, hướng tới hội nhập kinh tế và bình thường hóa quan hệ với thế giới – lấy mô hình Trung Quốc hay Việt Nam làm hình mẫu. Tuy nhiên, viễn cảnh này còn xa vời, khi IRGC vẫn là lực lượng nắm giữ “quyền lực mà không phải chịu trách nhiệm” trong chính sách quốc gia.
Trong khi đó, thế hệ lãnh đạo trẻ hơn trong IRGC dù có thể ít chịu ảnh hưởng tôn giáo hơn, nhưng vẫn thấm nhuần tư tưởng đối đầu và chiến đấu với phương Tây, tạo nên nguy cơ tái hiện các cuộc xung đột ủy nhiệm và hành vi khủng bố quy mô nhỏ như một hình thức phản kháng mới.
“IRGC chưa bị đánh bại hoàn toàn, nhưng giờ đây họ phải chiến đấu để tồn tại trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh so với chính họ,” Taleblu kết luận.