Hiểu rõ giới hạn và khả năng thực tế của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp doanh nghiệp, cá nhân và nhà hoạch định chính sách đưa ra lựa chọn thông minh hơn trong thời kỳ công nghệ bùng nổ.

Trong làn sóng quảng bá rầm rộ về trí tuệ nhân tạo (AI), khi mà các lời hứa về những thay đổi mang tính cách mạng liên tục được tung ra, một thực tế đáng chú ý lại nổi bật: đa phần các dự án AI đều thất bại vì quá kỳ vọng. Để có cái nhìn thực tế hơn, các chuyên gia hàng đầu đã rút ra 6 bài học giúp người dùng và doanh nghiệp khai thác AI một cách hiệu quả và thực tế nhất.

Bài học đầu tiên là: Con người vẫn phải giữ quyền kiểm soát. Những tưởng tượng về AI thay thế hoàn toàn con người đang bị hiện thực bác bỏ. Các hệ thống robot giao hàng bị tắt và đẩy sang một bên, xe tự lái cần sự can thiệp của con người mỗi vài km, hay ngay cả robot hình người của Tesla cũng vẫn đang được điều khiển từ xa. Điều này phản ánh một chân lý: để được xã hội chấp nhận rộng rãi, công nghệ phải giúp con người chứ không loại bỏ con người.

Thứ hai: AI nên được dùng để tăng cường, không phải thay thế con người. Các mô hình hợp tác đang tỏ ra vượt trội hơn nỗ lực tự động hóa hoàn toàn. Những tên tuổi lớn như Microsoft, Google hay Klarna đều chuyển sang dùng AI như công cụ hỗ trợ, để con người xử lý các nhiệm vụ phức tạp hơn. Nghiên cứu của Stanford cho thấy hiệu suất làm việc tăng 14% khi AI được dùng để hỗ trợ thay vì thay thế.

Thứ ba: Chỉ chọn những nhiệm vụ AI có thể làm tốt. Các hệ thống như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hoạt động hiệu quả trong các tác vụ chuẩn hóa, giàu mẫu huấn luyện như biên tập, dịch thuật. Nhưng chúng gặp khó khăn trong các lĩnh vực cần tư duy trừu tượng hoặc khả năng thích nghi như lập luận pháp lý sáng tạo hay chẩn đoán bệnh hiếm. Bài học ở đây là phải xác định chính xác môi trường có tính lặp và dữ liệu phong phú để AI phát huy hiệu quả.

Tiếp đến, bài học thứ tư: Hãy dùng AI để khám phá khả năng, đừng đòi hỏi câu trả lời tuyệt đối. Do đặc điểm kiến trúc, LLM rất giỏi tạo ra nội dung nhưng không giỏi đảm bảo độ chính xác. Khi dùng đúng, chúng là công cụ lý tưởng để mở rộng tư duy, khám phá ý tưởng mới, chứ không phải để cung cấp bằng chứng hay dữ kiện chính xác.

Thứ năm: Phải giải quyết đúng vấn đề của con người. AI nên được triển khai dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải vì công nghệ mới mẻ. Copilot giúp lập trình viên viết mã dễ hơn, công cụ đề xuất của Netflix giúp người dùng chọn phim nhanh hơn. Giá trị nằm ở khả năng đáp ứng đúng điểm đau của người dùng.

Cuối cùng, bài học thứ sáu là: Hợp tác sáng tạo giữa người và máy mới là đích đến. AI có thể thúc đẩy tư duy sáng tạo nếu được xem như đối tác chứ không phải công cụ. Những nhà làm phim như Rick Carter đã sử dụng AI để phát triển ý tưởng qua tương tác hai chiều thay vì chỉ nhập lệnh và nhận sản phẩm đầu ra. Khoa học cũng chứng minh: AI kết hợp với trực giác và kinh nghiệm con người có thể tạo ra đột phá mới.

Những nguyên lý này mở ra một con đường khai thác AI thực tế và bền vững: một thế giới nơi con người và máy móc không đối đầu mà hợp tác để cùng mở rộng tiềm năng trí tuệ. Đây chính là bước chuyển từ cường điệu công nghệ sang ứng dụng chiến lược thông minh.