Cựu Bộ trưởng Giao thông Nga Roman Starovoit được xác nhận đã tự tử chỉ vài giờ sau khi bị Tổng thống Vladimir Putin cách chức, trong bối cảnh khủng hoảng an ninh và gián đoạn hàng không lan rộng tại Nga.

Ngày 7/7, chính phủ Nga xác nhận cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Roman Starovoit đã qua đời do tự sát, không lâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin ban hành sắc lệnh sa thải ông khỏi chức vụ. Thi thể của ông được phát hiện trong ô tô tại vùng Odintsovo, ngoại ô Moscow, với vết thương do súng bắn. Ủy ban điều tra Nga xác định nguyên nhân cái chết là tự tử, dù vẫn đang điều tra chi tiết.
Ông Starovoit từng là thống đốc vùng Kursk và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, dưới áp lực gia tăng từ các vấn đề an ninh tại vùng biên và hàng loạt sự cố giao thông gần đây, vị trí của ông trở thành tâm điểm chỉ trích. Đặc biệt, chỉ trong vài ngày đầu tháng 7, hơn 485 chuyến bay bị hủy, gần 2.000 chuyến bị hoãn và 88 chuyến bị chuyển hướng trên khắp nước Nga – nguyên nhân được cho là “can thiệp từ bên ngoài”, giữa lúc Ukraine đẩy mạnh các đợt tấn công bằng UAV.
Dù Điện Kremlin phủ nhận lý do sa thải ông Starovoit là do “thiếu tin tưởng”, nhưng việc thay thế ông bằng quyền bộ trưởng Andrey Nikitin đã làm dấy lên đồn đoán về những mâu thuẫn nội bộ.
Cái chết của ông Starovoit càng làm gia tăng căng thẳng tại Moscow khi cùng lúc đó, Ukraine tuyên bố đã tấn công một nhà máy sản xuất đạn dược gần thủ đô Nga. Cũng trong vòng 24 giờ, các cuộc không kích của Nga đã khiến ít nhất 12 người Ukraine thiệt mạng, hơn 90 người khác bị thương. Các đợt tấn công chủ yếu nhắm vào cơ sở dân sự ở Kharkiv – thành phố đông bắc Ukraine – bao gồm trường mẫu giáo, khu dân cư và trung tâm thương mại.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết có ít nhất sáu văn phòng tuyển quân của họ đã bị UAV Nga tấn công trong một tuần qua – điều bị nghi là nhằm phá hoại nỗ lực huy động lực lượng.
Trong bối cảnh chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sự kiện Bộ trưởng Roman Starovoit tự tử được giới quan sát quốc tế nhìn nhận như một chỉ dấu đáng lo ngại về áp lực chính trị và hệ lụy nội bộ trong chính phủ Nga, đặc biệt dưới thời kỳ lãnh đạo cứng rắn của Tổng thống Putin. Các chuyên gia an ninh cho rằng khủng hoảng giao thông hiện tại có thể là giọt nước tràn ly dẫn đến động thái sa thải và kết cục bi thảm của ông Starovoit.