Chính sách thuế mới của Mỹ khiến các hãng vận tải toàn cầu phải thay đổi mạng lưới, đẩy hệ thống logistics châu Âu vào khủng hoảng, hàng hóa tắc nghẽn nghiêm trọng tại nhiều cảng lớn.

Chính sách thuế bất ngờ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc các hãng vận tải biển và logistics phải nhanh chóng điều chỉnh toàn bộ mạng lưới để thích ứng với sự dịch chuyển dòng thương mại toàn cầu. Hệ quả, châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Tại các cảng lớn của châu Âu như Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ) và Hamburg (Đức), tàu chở hàng và xà lan phải chờ đợi nhiều ngày để được bốc dỡ. Các trung tâm logistics đều đã hoạt động vượt công suất, theo ông Caesar Luikenaar – Giám đốc điều hành công ty WEC Lines (Hà Lan). Ông Albert van Ommen – Tổng giám đốc Tập đoàn Euro-Rijn (Hà Lan) – nhận định tình trạng tắc nghẽn hiện nay còn tồi tệ hơn thời kỳ cao điểm đại dịch, khi lưu lượng hàng hóa tăng đột biến nhưng nhân lực thiếu hụt.

Tại Antwerp, xà lan phải chờ trung bình 66 giờ để được bốc hàng, còn Rotterdam là 77 giờ – cao gấp nhiều lần so với thời gian thông thường, theo thông báo từ công ty Contargo (Đức). Ông Casper Ellerbaek – lãnh đạo DHL Đức – cảnh báo các khách hàng của ông có nguy cơ phải tạm dừng sản xuất nếu tình trạng này kéo dài.
Theo ông van Ommen, tại Antwerp, các tàu biển đang dỡ hàng chậm từ ba đến năm ngày so với kế hoạch, dẫn đến xáo trộn toàn bộ quy trình tiếp nhận container. Cuối cùng, người tiêu dùng phải chờ đợi lâu hơn để nhận hàng.
Nguyên nhân sâu xa được chỉ ra là chính sách thuế của Mỹ thay đổi đột ngột, khiến các hãng vận tải điều chỉnh mạng lưới để thích ứng với sự biến động thương mại. Đồng thời, mực nước sông Rhine xuống thấp sau mùa xuân khô hạn buộc xà lan phải giảm tải, còn việc các hãng lớn như Maersk và MSC chấm dứt liên minh cũng khiến luồng tuyến phải sắp xếp lại, gây gián đoạn ngắn hạn.
Đặc biệt, châu Âu đang phải xử lý lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh từ châu Á, khi các doanh nghiệp xuất khẩu tránh thị trường Mỹ do mức thuế cao. Ông Ellerbaek cho biết lượng container từ châu Á sang châu Âu đang tăng 7% mỗi năm, chủ yếu là hàng lẽ ra xuất khẩu sang Mỹ.
Trước áp lực khổng lồ, các công ty khai thác bến cảng đang khẩn trương tuyển thêm nhân lực, đầu tư trang thiết bị. ECT – nhà khai thác cảng lớn ở Rotterdam – cho biết cảng đang cực kỳ bận rộn, cho rằng đây là tình trạng chung toàn Bắc Âu do biến động liên minh hàng hải, nhu cầu tăng cao và bất ổn địa chính trị.
Ban quản lý Cảng Antwerp-Bruges xác nhận tình trạng tắc nghẽn nhưng khẳng định hệ thống vẫn nằm trong giới hạn dự phòng. DP World – sở hữu bến cảng tại Antwerp và Rotterdam – cam kết tiếp tục đầu tư mở rộng công suất và nâng cao năng lực thích ứng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan về khả năng giải quyết nhanh chóng. Ông Luikenaar cảnh báo phải mất nhiều năm đầu tư mới xử lý triệt để, khi hiện tại có những hãng vận tải nội địa phải mất tới một tuần để gom container – gấp hơn ba lần so với trước.