Sau xung đột với Israel, chế độ Iran tăng cường đàn áp trong nước theo mô hình kiểm soát khép kín kiểu Triều Tiên, gây lo ngại về quyền tự do và tương lai chính trị của người dân.

Sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Israel, chế độ Iran đang đẩy mạnh chiến lược khép kín, áp đặt một mô hình kiểm soát mà các chuyên gia gọi là “kiểu Triều Tiên hóa”. Kasra Aarabi, Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức United Against Nuclear Iran, cảnh báo rằng Cộng hòa Hồi giáo đang bước vào giai đoạn đàn áp khốc liệt chưa từng thấy.

Theo Aarabi, chính quyền Tehran đã nâng cấp các biện pháp kiểm soát, bao gồm chặn bắt ngẫu nhiên, khám xét điện thoại và loại bỏ những người bị nghi ngờ ủng hộ Israel hoặc chỉ trích chế độ. Sự sợ hãi lan rộng khiến người dân buộc phải xóa dữ liệu cá nhân hoặc không mang điện thoại khi ra đường.

Hành động kiểm soát này được so sánh trực tiếp với chiến thuật của Bắc Triều Tiên, nơi thông tin bị phong tỏa tuyệt đối và những ai bất đồng chính kiến có thể biến mất mà không dấu vết. Đỉnh điểm là việc Iran cắt hoàn toàn kết nối internet trong thời gian giao tranh, ngăn người dân nhận các cảnh báo sơ tán từ Israel và đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhà nước.
“Chế độ này cắt liên lạc để gieo rắc sợ hãi và thao túng nhận thức công chúng. Họ muốn cắt đứt sự đồng cảm giữa người Iran và Israel – điều từng tồn tại ở giai đoạn đầu cuộc chiến khi nhiều người Iran ủng hộ các cuộc không kích nhằm vào IRGC, lực lượng đàn áp chính dân họ,” Aarabi nhấn mạnh.
Bên cạnh đàn áp ngoài xã hội, nội bộ chế độ cũng đang lâm vào khủng hoảng. Aarabi cho biết Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đang đối mặt với sự hoài nghi và mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến thanh trừng. Các sĩ quan trẻ hơn, được đào tạo với tỷ lệ cao về tư tưởng cực đoan, đang nổi dậy chống lại cấp trên với cáo buộc mềm mỏng với Israel hoặc bị nghi ngờ hợp tác với tình báo nước ngoài.
“Thế hệ mới trong IRGC mà Khamenei xây dựng để củng cố quyền lực giờ đây lại trở thành mối đe dọa với chính ông ta – họ cực đoan hơn cả người tạo ra mình,” Aarabi nhận định.
Chiến lược quân sự thông thường của Iran hiện bị phá vỡ nặng nề. Ba trụ cột gồm dân quân, tên lửa đạn đạo và chương trình hạt nhân đều suy yếu hoặc bị vô hiệu. Trong bối cảnh đó, Iran có khả năng chuyển hướng sang các hành động phi đối xứng như khủng bố nhắm vào mục tiêu mềm nhằm duy trì ảnh hưởng.

Tiến sĩ Afshon Ostovar – chuyên gia về Iran và tác giả cuốn “Vanguard of the Imam” – cho biết đàn áp nội bộ luôn là công cụ sinh tồn ưa thích của Tehran: “Đó là điều họ có thể làm dễ nhất. Và họ sẽ tiếp tục làm như vậy để duy trì chế độ.”

Tuy nhiên, Aarabi khẳng định, việc gia tăng đàn áp không phản ánh sức mạnh mà là biểu hiện của sự bất an. Nếu chế độ thực sự vững chắc, họ đã không cần nghiền nát người dân một cách tàn nhẫn như hiện nay. Nhưng ông cũng thừa nhận, chừng nào bộ máy đàn áp chưa bị phá bỏ, khả năng thay đổi chế độ vẫn là một viễn cảnh xa vời.
Trong bối cảnh Iran tiếp tục khép kín và gia tăng kiểm soát như Triều Tiên, quyền tự do của người dân và sự ổn định của khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.