Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết nợ xấu toàn hệ thống đã vượt 1 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 677.000 tỷ đã xử lý bằng dự phòng nhưng chưa thể thu hồi do vướng pháp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA).
Tại một tọa đàm chuyên đề mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã công bố thông tin đáng chú ý: nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 1.030.000 tỷ tính đến ngày 31/12/2024 – tương đương tỷ lệ nợ xấu 5,46%, bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro.
Theo ông Hùng, trong số này, nợ xấu nội bảng chiếm 778.000 tỷ, nợ đã bán cho VAMC là 101.000 tỷ, và nợ tiềm ẩn rủi ro lên tới 150.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, có tới 677.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng cách sử dụng dự phòng rủi ro, đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán, nhưng vẫn chưa thể thu hồi được do vướng mắc pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo. Dù đã có không ít quyết định thi hành án, nhưng nhiều trường hợp vẫn “giậm chân tại chỗ”.
TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cảnh báo:
“Hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu là ‘vốn chết’ trong nền kinh tế. Không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn khiến mặt bằng lãi suất ở Việt Nam bị duy trì ở mức cao. Đây là vốn của ngân hàng, nhưng cũng là vốn của người dân và toàn xã hội.”
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, đến cuối năm 2024, đã có khoảng 446.000 vụ án liên quan đến xử lý nợ, nhưng tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 15% – một con số phản ánh rõ mức độ “kẹt vốn” trong hệ thống tín dụng hiện nay.
Bước sang đầu năm 2025, bức tranh nợ xấu tiếp tục xấu đi. Trong hai tháng đầu năm, nợ xấu tăng thêm 34.000 tỷ đồng, nâng tổng mức nợ lên 1.064.000 tỷ đồng, trong đó:
- Nợ xấu nội bảng tăng lên 833.000 tỷ
- Nợ bán cho VAMC giảm còn 99.000 tỷ
- Nợ tiềm ẩn rủi ro tạm thời ở mức 130.000 tỷ đồng
Ngoài ra, còn 63.000 tỷ đồng thuộc diện cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, nhưng do thông tư đã hết hiệu lực, các khoản này bị đẩy trở lại nhóm nợ tiềm ẩn rủi ro, khiến tổng số nợ tiềm ẩn lên tới khoảng 193.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu ra đời, ý thức hợp tác trả nợ của khách hàng rất thấp. Tình trạng phổ biến là khách cố tình tranh chấp pháp lý để trì hoãn xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết này được ban hành – cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo không cần khởi kiện – tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ đã tăng từ 20% lên 36%.
Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nhiều ngân hàng lại rơi vào tình thế bị động, và ý thức trả nợ của khách hàng tiếp tục giảm, khiến nợ xấu có xu hướng tăng trở lại và khó xử lý hơn.
Hiện nay, việc tồn đọng hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu không chỉ làm xấu bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, mà còn bóp nghẹt dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế thực, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang khát vốn để phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất.
Hiệp hội Ngân hàng cùng các chuyên gia đề xuất sớm xem xét gia hạn hoặc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42, đồng thời cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp để thúc đẩy tốc độ xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.