Hạt thầu dầu chứa độc tố chết người nhưng lại được ứng dụng rộng rãi trong y học, mỹ phẩm và công nghiệp sinh học nhờ vào giá trị kinh tế cao.

Tuy là loài thực vật phổ biến khắp các vùng quê Việt Nam, cây thầu dầu lại tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong nếu không cẩn trọng khi tiếp xúc, đặc biệt là khi ăn nhầm hạt. Dù độc tố ricin trong hạt có thể gây chết người, nhưng nghịch lý là chính bộ phận này lại mang giá trị dược liệu và kinh tế rất lớn, được mệnh danh là “vàng đen” trong ngành dược và mỹ phẩm.
Cây thầu dầu có thể dễ dàng bắt gặp tại các khu đất hoang, bờ sông, bãi đê, thậm chí được trồng làm cảnh tại nhiều công viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng chỉ cần vài hạt thầu dầu chứa ricin – một loại độc tố cực mạnh, đã có thể khiến người ăn phải đối mặt với ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thế nhưng, ẩn sau vẻ ngoài nguy hiểm, cây thầu dầu lại là một kho tàng dược liệu quý giá. Hạt thầu dầu sau khi ép lạnh cho ra loại dầu mang tên castor oil – được sử dụng rộng rãi trong y học và làm đẹp. Với khả năng dưỡng ẩm sâu, chống viêm, hỗ trợ điều trị mụn, làm dịu da, kích thích mọc tóc, trị táo bón và bệnh vẩy nến, dầu thầu dầu hiện diện phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da, thuốc nhỏ mắt và mỹ phẩm cao cấp.
Ngoài hạt, lá và rễ cây thầu dầu cũng được dân gian và y học cổ truyền khai thác. Ở Trung Quốc, lá cây được dùng để giảm sưng, giải độc, xua đuổi muỗi. Khi đun sôi, nước lá có thể lau vùng da bị côn trùng cắn để giảm ngứa. Rễ cây mang tính bình, vị cay nhẹ, có tác dụng hoạt huyết, giảm đau.
Đáng chú ý, cây thầu dầu không chỉ dừng lại ở công dụng y học mà còn là một nguồn nguyên liệu tiềm năng trong sản xuất nhiên liệu sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển công nghiệp xanh bền vững.
Về giá trị thị trường, hạt thầu dầu sau sơ chế tại Trung Quốc có giá từ 20–30 NDT/kg, tương đương 71.000–106.000 đồng/kg. Ở Việt Nam, giá bán dao động từ 190.000–300.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng. Trong khi đó, dầu thầu dầu nguyên chất có giá từ 70.000–200.000 đồng/100ml, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất theo quy trình đạt chuẩn.

Điều này lý giải vì sao từ một loài cây từng bị xem là độc hại, thầu dầu ngày nay lại trở thành mặt hàng quý hiếm được săn lùng trong nhiều lĩnh vực: dược phẩm, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, việc tự ý sử dụng các bộ phận của cây thầu dầu tại nhà có thể gây rủi ro nghiêm trọng, nhất là nếu không được hướng dẫn đúng cách về xử lý độc tố. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng và ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín, có chứng nhận an toàn.
Thầu dầu – loài cây tưởng chừng bình thường, nay đang khẳng định vị thế là một trong những tài nguyên sinh học tiềm năng bậc nhất của ngành y học hiện đại và công nghiệp làm đẹp.