Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 từ nay đến 30-5 qua VNeID, cổng thông tin điện tử và văn bản gửi Sở Tư pháp.
Lấy ý kiến nhân dân qua VNeID.
Thành phố Hồ Chí Minh triển khai lấy ý kiến toàn dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Hoạt động này diễn ra từ nay đến ngày 30 tháng 5 và được xem là bước đi cụ thể nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy trí tuệ tập thể, đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về việc hoàn thiện khung pháp lý tối cao của quốc gia.
Việc lấy ý kiến được tổ chức rộng rãi với đối tượng tham gia gồm mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên, giới chuyên gia và nhà khoa học. Mục tiêu là bảo đảm dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải phản ánh đúng đắn ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Người dân có thể đóng góp ý kiến thông qua nhiều hình thức linh hoạt như trực tiếp trên ứng dụng VNeID (đối với tài khoản định danh mức độ 2), Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ hoặc gửi văn bản góp ý về Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ số 141–143 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, hoặc qua thư điện tử tại địa chỉ: [email protected]. Các tài liệu tham khảo phục vụ việc góp ý đã được đăng tải công khai trên các cổng thông tin chính thức nêu trên.
Để bảo đảm hiệu quả và chất lượng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ cấp thành phố đến cơ sở được yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc tọa đàm tùy theo đặc thù và điều kiện thực tiễn. Việc triển khai tại cấp phường, xã, thị trấn cũng phải phù hợp với quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm tạo môi trường thuận lợi để mọi công dân có thể tham gia đóng góp ý kiến.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là các đối tượng không có điều kiện tham gia trực tiếp. Ý kiến góp ý cần được tổng hợp một cách trung thực, khách quan, toàn diện để làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến, thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội để nâng cao nhận thức, đồng thuận và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai lệch về nội dung và ý nghĩa của công tác sửa đổi Hiến pháp. Điều này nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương và đường lối của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Các cơ quan, đơn vị liên quan được giao trách nhiệm khẩn trương triển khai nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ đề ra. Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cần gửi về Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Sở Tư pháp trước 17 giờ ngày 23 tháng 5. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ Tư pháp trước hạn chót ngày 29 tháng 5.