Nhu cầu nhân lực AI tăng vọt tại Trung Quốc khiến các vị trí việc làm trong ngành này trở thành lựa chọn hấp dẫn, với mức lương cao và cơ hội việc làm rộng mở ngay sau khi tốt nghiệp.

Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc chuyển mình lớn trong thị trường lao động Trung Quốc. Các vị trí liên quan đến AI hiện được xem là “hàng nóng”, trở thành mục tiêu tuyển dụng ưu tiên không chỉ trong khối công nghệ mà còn lan rộng đến các doanh nghiệp nhà nước. Sinh viên ngành AI gần như có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, với mức lương khởi điểm thuộc hàng cao nhất thị trường.
Theo một báo cáo mới công bố, quy mô ngành công nghiệp AI tại Trung Quốc đã vượt 700 tỉ nhân dân tệ (tương đương 97,7 tỉ USD) tính đến năm 2024, duy trì đà tăng trưởng hơn 20% trong nhiều năm liên tiếp. AI không chỉ hiện diện trong các lĩnh vực công nghệ cao như robot, thiết bị không người lái, nhà thông minh mà còn thâm nhập sâu vào các ngành kinh tế truyền thống thông qua quá trình chuyển đổi số.
Câu chuyện thực tế của Lưu Trạch Khôn – một sinh viên vừa tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào làm kỹ sư điện toán hiệu suất cao tại Meituan – và Lê Khoa Lâm – nhân viên mới trong mảng kỹ thuật trí tuệ số của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc – là minh chứng điển hình cho xu hướng “cháy hàng” nhân lực AI hiện nay.
Nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com cho biết, trong tuần đầu mùa tuyển dụng xuân 2025, số lượng người tìm việc trong ngành AI đã tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng công ty tìm kiếm kỹ sư AI tăng 69,6%. Đặc biệt, Alibaba đã mở tới hơn 3.000 vị trí trong mùa tuyển dụng 2026, gần một nửa trong số đó liên quan đến AI.

Sức hút của ngành không chỉ đến từ cơ hội việc làm rộng mở, mà còn đến từ mức đãi ngộ cao. Công ty DeepSeek – đơn vị phát triển mô hình AI – đưa ra mức lương khởi điểm từ 20.000 đến 90.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 2.800 – 12.500 USD) cho sinh viên mới tốt nghiệp. Trong khi đó, Yushu Technology sẵn sàng trả đến 1,3 triệu nhân dân tệ/năm (tương đương 181.000 USD) cho chuyên gia thuật toán robot.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng lớn, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống đào tạo AI. Kể từ khi AI chính thức được đưa vào danh mục chuyên ngành đại học năm 2019, đã có hơn 500 trường trên khắp Trung Quốc mở ngành hoặc học viện chuyên sâu về AI. Trong năm 2025, Bộ Giáo dục tiếp tục bổ sung 29 chuyên ngành mới liên quan, như giáo dục AI, kỹ thuật nghe nhìn thông minh, sân khấu kỹ thuật số…
Các trường đại học danh tiếng như Thanh Hoa, Phúc Đán, Chiết Giang hay Đồng Tế không chỉ đẩy mạnh đào tạo đơn ngành mà còn kết hợp AI với các lĩnh vực như ngôn ngữ, y học, nghệ thuật… nhằm tạo ra thế hệ nhân tài đa năng, có thể ứng dụng AI một cách sáng tạo và thực tế hơn.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn yêu cầu các trường tăng cường liên kết với doanh nghiệp để triển khai các dự án thực tiễn, đảm bảo sinh viên ngành AI ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu thị trường. Điều này cho thấy một chiến lược toàn diện của Trung Quốc trong việc không chỉ phát triển công nghệ mà còn xây dựng một hệ sinh thái nhân lực AI vững chắc, phục vụ cho mục tiêu trở thành cường quốc AI trong tương lai.