Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ nhà đầu tư đồng hành cùng Vietjet từ giai đoạn đầu đã gia tăng tài sản gấp 100 lần, khẳng định tiềm năng vượt trội của kinh tế tư nhân và hàng không Việt Nam.

Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra vào ngày 9/7 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet (VJC) và nhà sáng lập Tập đoàn Sovico – đã có bài phát biểu nổi bật về vai trò của kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh tiềm năng đầu tư vượt trội từ những doanh nghiệp bản địa như Vietjet.
Bà Thảo mở đầu với khẳng định: “Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong việc tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2030, mục tiêu là khu vực này đóng góp tới 65% GDP quốc gia.”
Trên cơ sở đó, bà kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, áp dụng tỷ giá linh hoạt và tăng cường phát triển các thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn xanh, tín dụng số hóa. Đồng thời, bà nhấn mạnh việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP để thu hút dòng vốn quốc tế chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ như AI, blockchain, kinh tế tuần hoàn và phát triển các sáng chế “Made in Vietnam”.
Chia sẻ về hành trình phát triển của Sovico – tập đoàn mà bà là người sáng lập, bà Thảo cho biết: “Sovico đã đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua, hoạt động đa ngành trong lĩnh vực tài chính, hàng không, đô thị và chuyển đổi số.”
Bà dẫn chứng bằng kết quả từ HDBank – một thành viên chủ lực trong hệ sinh thái Sovico – khi cho biết những nhà đầu tư đồng hành từ năm 2019 đến nay đã tăng tài sản gấp 4,5 lần, phản ánh hiệu quả đầu tư bền vững.
Đặc biệt, Vietjet được xem là điểm sáng nổi bật khi bà Thảo cho biết: “Những nhà đầu tư cùng Vietjet từ giai đoạn đầu đã nhân tài sản gấp 100 lần.” Với những ai tham gia từ thời điểm IPO, con số này vẫn lên tới 5 lần. Đây là minh chứng mạnh mẽ cho chiến lược đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và tầm nhìn chiến lược.
Bà cũng chia sẻ kỷ niệm đặc biệt khi xuất hiện tại hội nghị trong chính bộ vest từng mặc trong ngày Vietjet lên sàn, đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên – một khoảnh khắc đáng nhớ với những người tin vào tiềm năng hàng không Việt.
Về tương lai, Vietjet tiếp tục khẳng định vị thế không chỉ ở thị trường nội địa mà còn vươn xa toàn cầu. Hãng đã đặt mua thêm 406 máy bay từ Airbus và Boeing, giúp trở thành một trong ba hãng hàng không có đơn hàng lớn nhất thế giới hiện nay – một điều đáng kể trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu đang khan hiếm tàu bay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vietjet đã vận chuyển hơn 220 triệu lượt hành khách, kết nối tới các thị trường đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Australia, tiệm cận gần 4 tỷ người tiêu dùng. Không chỉ vậy, Vietjet còn là hãng bay hiếm hoi “mang chuông đi đánh xứ người” với sự hiện diện mạnh mẽ tại Thái Lan thông qua hãng Vietjet Thái Lan – sở hữu hơn 20 máy bay và thuộc top dẫn đầu tại quốc gia này.
Theo bà Thảo, chiến lược của Vietjet là xây dựng một hệ sinh thái hàng không toàn diện, bao gồm logistics, kỹ thuật, đào tạo và hợp tác sâu với các tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới như Airbus, Boeing, GE, Pratt & Whitney, RTX, SpaceX, Honeywell… với tổng giá trị hợp đồng lên đến hàng chục tỷ USD.
Không dừng lại ở lĩnh vực hàng không, Tập đoàn Sovico và các công ty thành viên đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu khác. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư của Sovico từ nay đến năm 2033 dự kiến đạt 120 tỷ USD, khẳng định vai trò dẫn dắt và cam kết lâu dài với sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ truyền cảm hứng mà còn củng cố niềm tin của giới đầu tư vào tiềm năng phát triển vượt trội của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây là minh chứng sống động cho việc đầu tư có tầm nhìn dài hạn vào các lĩnh vực chiến lược luôn mang lại những thành quả xứng đáng.