Việt Nam và Nga ký kết hợp tác chiến lược phát triển vaccine ung thư ứng dụng công nghệ mRNA, hướng tới sản xuất toàn diện tại Việt Nam.
Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) trao đổi văn kiện hợp tác với ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vắc xin VNVC trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Thống Nhất
Tối 10.5, tại Moskva (Nga), dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin, Công ty vắc xin Việt Nam VNVC và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine và phát triển thuốc sinh học. Sự kiện là một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Nga nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng.
Thỏa thuận hợp tác này đặt nền móng cho việc Việt Nam tiếp cận sớm công nghệ vaccine ung thư mRNA, một trong những hướng đi tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực điều trị ung thư. VNVC kỳ vọng có thể nhanh chóng triển khai sản xuất vaccine ngay tại Việt Nam với chu trình khép kín và toàn diện, mở ra hướng điều trị mới cho hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư mỗi năm.
“Khung hợp tác mà chúng tôi ký kết hôm nay sẽ là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy giao lưu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực y sinh học hiện đại”, ông Kirill Dmitriev – Tổng giám đốc RDIF, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về đầu tư quốc tế nhấn mạnh.
Cùng với RDIF, VNVC cũng chính thức ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya – đơn vị hàng đầu về dịch tễ học và vi sinh vật học, và Tập đoàn dược phẩm Binnopharm – một trong những nhà sản xuất dược lớn nhất Nga. Ba bên sẽ cùng phát triển các dự án nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa thuốc sinh học và vaccine công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNVC, thỏa thuận không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận các công nghệ mũi nhọn từ Nga, mà còn tạo tiền đề để xây dựng ngành công nghiệp vaccine hiện đại tại Việt Nam, phục vụ mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế của VNVC đặt tại Việt Nam có vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, được thiết kế và xây dựng theo chuẩn công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất vaccine mRNA. Các bước hợp tác khoa học sẽ được triển khai ngay sau ký kết, trong đó ưu tiên là trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, đồng nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Nhà máy sản xuất Vaccine và Sinh phẩm VNVC tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, được thiết kế xây dựng theo công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Ảnh: VNVC
Vaccine ung thư của Nga, được phát triển từ năm 2022, là thành quả hợp tác giữa ba tổ chức lớn gồm: Trung tâm Gamaleya, Viện Ung thư P. Hertsen và Trung tâm Ung thư Blokhina. Sản phẩm ứng dụng công nghệ mRNA mã hóa chuỗi protein kháng nguyên ung thư, giúp kích hoạt hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến tế bào lành. Đặc biệt, các liều tiêm được thiết kế theo hướng cá nhân hóa – phù hợp với cấu trúc di truyền của từng khối u.
Dữ liệu thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy vaccine có khả năng làm khối u giảm kích thước đáng kể hoặc biến mất hoàn toàn, kể cả tế bào di căn. Với kết quả này, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng, dự kiến bắt đầu từ tháng 9 năm nay.
Về phía VNVC, doanh nghiệp này cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có nhiều hợp tác sâu rộng với các đối tác y tế hàng đầu như Pfizer, Sanofi và Đại học Oxford, góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ y sinh tiên tiến tại Việt Nam.